Ngày 26/01/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu được xem video clip báo cáo công tác của Ban Chỉ đạo; theo đó, năm 2023, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; trong đó, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”.
Ngay từ đầu năm, căn cứ yêu cầu công tác của Ngành và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Ban Chỉ đạo đã ban hành Chương trình công tác, Kế hoạch kiểm tra để triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thực chất; tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 178/KH-VKSTC ngày 20/9/2023 để triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiến hành sơ kết công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2023; sơ kết 01 năm triển khai chuyên đề về dân chủ, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình công tác, đánh giá những kết quả làm được, hạn chế và nguyên nhân, kịp thời rút kinh nghiệm và thực hiện chương trình trọng tâm công tác trong thời gian tới. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đã đề ra, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu công tác và nhiệm vụ chính trị của Ngành. Việc sơ kết công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm được tiến hành nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.
Sau sơ kết, Ban Chỉ đạo các cấp đã xây dựng báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo VKSND tối cao để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương đảm bảo về nội dung và thời hạn theo yêu cầu. Ban Chỉ đạo VKSND tối cao đã ban hành Thông báo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, hoàn thành nội dung, tiến độ công việc theo Kế hoạch đã đề ra về thực hiện dân chủ; hoàn thành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tháng 8/2023, đánh giá đầy đủ ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.
Tại các đơn vị VKSND địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở thường xuyên được kiện toàn; nghiêm túc, kịp thời triển khai các văn bản yêu cầu, chỉ đạo của Ngành, của cấp ủy địa phương; đã tham mưu Viện trưởng VKSND triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong quan hệ công tác và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, không để xảy ra tình trạng mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ hoặc khiếu nại, tố cáo kéo dài, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, xây dựng địa phương.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo VKSND tối cao xây dựng Kế hoạch và đã hoàn thành 10 cuộc kiểm tra trực tiếp chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 10 đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân. VKSND các cấp đã tiến hành 154 cuộc kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra của đơn vị. Kết quả kiểm tra, đã ghi nhận những kết quả đạt được, chỉ ra và yêu cầu khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với công tác quản lý nội bộ, công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được phát hiện qua kiểm tra năm 2023.
Năm 2023, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao kết quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đặc biệt đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng và chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kiên quyết đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ. Kết quả đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận kết quả công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2023; đồng thời nhấn mạnh, thông qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần đảm bảo triển khai tốt các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời, phát huy được quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; kỷ luật được tăng cường, nội bộ cơ quan đoàn kết.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm yêu cầu, Ban Chỉ đạo cần bám sát nhiệm vụ được phân công, sớm ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị triển khai thi hành luật và tập huấn trong toàn Ngành; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân được chấp hành thường xuyên, nghiêm túc, tự giác và thực chất…