Ngày 03/3/2023, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND”.
Quy chế này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, quan hệ công tác, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND” (Ban Chỉ đạo).
Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu giúp Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao thể chế hoá các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ quan nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định của Ngành, đảm bảo dân chủ trong hoạt động hành chính của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; quyền dân chủ của công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ban Chỉ đạo hoạt động với nguyên tắc chịu sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; họp bàn, quyết định các vấn đề theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện theo chương trình, kế hoạch công tác và phục vụ kịp thời yêu cầu của Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và của Ban Chỉ đạo Trung ương; thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Về cơ cấu tổ chức, Ban Chỉ đạo có Trưởng ban là Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng ban là Chánh Thanh tra VKSND tối cao và các thành viên gồm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, đại diện đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong đó, Thanh tra VKSND tối cao là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo họp 2 lần/năm để tham gia ý kiến vào chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo, báo cáo sơ kết 6 tháng và báo cáo tổng kết năm về kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; các báo cáo khác do Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu. Khi cần thiết, có thể họp đột xuất. Trường hợp không tổ chức cuộc họp thì có thể xin ý kiến bằng văn bản.
Định kỳ 6 tháng, một năm, Ban Chỉ đạo giúp Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo về kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND gửi Ban Chỉ đạo Trung ương.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 260/QĐ-VKSTC-BCĐ ngày 07/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.