Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương đã họp phiên thứ 21 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP. Các đại biểu tham dự phiên họp đã nghe trình bày dự thảo của 3 Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân tối cao”; Đề án “Tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp”; Đề án “Mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống Cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Phải hoàn thiện tổ chức và bộ máy của các cơ quan tư pháp
Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương đã họp phiên thứ 21 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP. Các đại biểu tham dự phiên họp đã nghe trình bày dự thảo của 3 Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân tối cao”; Đề án “Tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp”; Đề án “Mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống Cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử”.
Hiện nay có 2 loại ý kiến đóng góp đối với lộ trình thực hiện các Đề án nói trên. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị năm 2015 là thời điểm bắt đầu tổ chức thành lập Toà án khu vực, Viện kiểm sát khu vực (riêng Đề án về cơ quan điều tra có thể thực hiện ngay vì không có sự thay đổi lớn về tổ chức). Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập toà án khu vực và Viện kiểm sát khu vực trước thời điểm năm 2015. Một số ý kiến khác đề nghị thực hiện thí điểm việc thành lập Toà án khu vực và Viện kiểm sát khu vực nhưng không thay đổi thẩm quyền để bảo đảm tính đồng bộ trong hoạt động tố tụng.
Về Đề án “Mô hình Cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử”, nhiều ý kiến cho rằng, không nên tổ chức cơ quan cảnh sát điều tra khu vực mà giữ nguyên mô hình cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện như hiện nay, bởi trên thực tế, điều tra là một trong những nhiệm vụ của công an địa phương, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.Do vậy, trong khi chưa thể thực hiện chủ trương “thu gọn đầu mối cơ quan điều tra” thì trước mắt đề nghị vẫn giữ mô hình cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện như hiện nay.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sau một thời gian dài thảo luận ở cấp Trung ương, địa phương và lấy ý kiến từ các chuyên gia tư pháp, các đề án cải cách của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an đã có sự điều chỉnh rõ rệt, thu hẹp đáng kể những điểm còn khác biệt. Các cơ quan thuộc khối tư pháp cần tiếp tục thảo luận, điều chỉnh các đề án để làm sao phải nêu bật được tính cải cách, tính đồng bộ và lộ trình triển khai của những đề án này.
Chủ tịch nước cho rằng, muốn đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì trước tiên phải hoàn thiện tổ chức và bộ máy của các cơ quan tư pháp, từ đó giải quyết được những bức xúc của nhân dân và xây dựng một nền tư pháp công minh, trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng tổ chức và bộ máy các cơ quan tư pháp theo mô hình mới phù hợp thực tiễn của Việt Nam là một việc làm cấp thiết, tuy nhiên cũng không thể nóng vội; việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng cần phải được nghiên cứu kỹ để áp dụng phù hợp thực tiễn của Việt Nam.Chủ tịch nước đề nghị Ban Thư ký BCĐ CCTP Trung ương tiếp tục tổng hợp ý kiến về một số khía cạnh cần phải hoàn thiện hơn nữa như vấn đề thi hành án dân sự, chức năng công tố…lập tờ trình tổng thể chung cả 3 đề án để tạo sự thống nhất trong lộ trình triển khai thực hiện. BCĐ CCTP Trung ương sẽ là đầu mối làm đề án tổng hợp trình Bộ Chính trị vào đầu năm tới, để từ đó đưa chương trình cải cách tư pháp vào báo cáo chung của Đại hội Đảng lần thứ XI.
P.V