Ngày 06/7/2022, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án làm việc với Ban cán sự đảng VKSND tối cao về nội dung Dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Khánh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Thành viên Ban chỉ đạo; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập; cùng dự có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, các Giáo sư, Tiến sĩ là thành viên Tổ biên tập…
Về phía VKSND tối cao có đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải; cùng các đồng chí thành viên Ban cán sự đảng VKSND tối cao; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội…
Phát biểu tại chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thống nhất cao về nhận thức, tầm quan trọng và tính chiến lược của Đề án, trong đó thống nhất về những quan điểm về đổi mới, đưa đất nước phát triển bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng; việc xây dựng Đề án, thể hiện được tầm nhìn chiến lược, đưa đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tiếp tục khẳng định quyền con người, quyền công dân, dân chủ được khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Dự thảo được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, bám sát Cương lĩnh của Đảng năm 2011, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn, thẳng thắn đề cập và đề xuất những nội dung cốt lõi, mới, đột phá về tổ chức và hoạt động của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc; đồng thời khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng; là nguyện vọng, sự lựa chọn của Nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cải cách tư pháp; trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Thời gian vừa qua, công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển đất nước, nhất là trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn có những hạn chế và bất cập; do đó, nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp Việt Nam nói chung, trong đó xây dựng VKSND “Chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” vừa là yêu cầu cấp bách vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp.