Nhận lời mời của Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Cộng hoà Liên bang Đức, Đoàn đại biểu cấp cao của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Phó Viện trưởng Khuất Văn Nga làm Trưởng đoàn, đã sang thăm và làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 19 đến 31/8/2009.
Chuyến thăm và làm việc chính thức đầu tiên với Bộ Tư pháp Đức của Đoàn đại biểu cấp cao của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam thể hiện rõ nét thiện chí và quyết tâm thực hiện thành công Chương trình 3 năm về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đức đã ký tại Hà Nội, đồng thời cho thấy Bộ Tư pháp Đức rất coi trọng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với tư cách một đối tác quan trọng trong Chương trình hợp tác này.
Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC thăm, làm việc tại CHLB Đức
Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC
chụp ảnh lưu niệm tại Toà Hành chính Liên bang
Nhận lời mời của Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Cộng hoà Liên bang Đức, Đoàn đại biểu cấp cao của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Phó Viện trưởng Khuất Văn Nga làm Trưởng đoàn, đã sang thăm và làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 19 đến 31/8/2009.
Chuyến thăm và làm việc chính thức đầu tiên với Bộ Tư pháp Đức của Đoàn đại biểu cấp cao của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam thể hiện rõ nét thiện chí và quyết tâm thực hiện thành công Chương trình 3 năm về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đức đã ký tại Hà Nội, đồng thời cho thấy Bộ Tư pháp Đức rất coi trọng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với tư cách một đối tác quan trọng trong Chương trình hợp tác này.
Trong chuyến đi, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Toà án Tài chính bang Hamburg, Toà án khu vực, Viện Công tố và Hải quan bang Hamburg. Đoàn đã được nghe giới thiệu về hệ thống pháp luật và tổ chức Toà án của Đức; giới thiệu về Luật Tố tụng hình sự và Luật Hình sự Đức; cơ chế và chức năng của Viện Công tố; Hệ thống đào tạo pháp lý cho Công tố viên; kinh nghiệm và phương pháp xử lý tối ưu của Bộ Tư pháp và Viện Công tố trong việc đấu tranh chống tội phạm hình sự.
Tại Berlin, Đoàn làm việc và hội đàm với Bộ Tư pháp liên bang bàn về sự hợp tác trong tương lai giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đối tác Đức trong khuôn khổ Chương trình ba năm và nghe thuyết trình về sự phát triển của Luật Tố tụng Hình sự. Cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội các Thẩm phán và Công tố viên Đức để nghe thuyết trình về chức năng của Hiệp hội các Thẩm phán Đức như là một Hiệp hội ngành nghề của các Thẩm phán và Công tố viên.
Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC
chụp ảnh lưu niệm với cơ quan Công tố khu vực bang Hamburg
Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với Hội đồng xét xử số 5 của Toà án liên bang, Viện Công tố liên bang và Toà án hành chính liên bang; Tại Zena, Đoàn thăm, làm việc với Viện Công tố bang Thuringia; làm việc với Toà án khu vực Erfurt; sau đó thăm xã giao Thị trưởng Erfurt;
Đoàn cũng đã được thăm nhà tù tại Tonna, làm việc với Cục điều tra Hình sự bang Thuringia để nghe thuyết trình về cơ cấu tổ chức của hệ thống Cơ quan điều tra hình sự bang.
Qua các buổi thăm, làm việc và nghe thuyết trình của Đoàn cho thấy một số nét chính của hệ thống tư pháp Đức:
Công tố của Đức là các cơ quan tư pháp hình sự có trách nhiệm độc lập trong mối quan hệ với các Toà án và được gắn với hệ thống tư pháp. Cơ quan Công tố có 2 chức năng: điều tra và truy tố. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Cơ quan Công tố phải tìm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, họ có quyền quyết định đình chỉ vụ án hình sự hoặc truy tố bị can ra trước Toà. Cơ quan Công tố phải chắc chắn có đủ bằng chứng để truy tố tội phạm ra trước Toà và bị cáo phải bị Tuyên án, nếu không có đủ bằng chứng, hoặc không chắc chắn thì không truy tố.
Cơ quan Công tố hoạt động theo nguyên tắc hợp pháp và nguyên tắc cơ hội (nguyên tắc tuỳ nghi).
Cơ quan Công tố được tổ chức ở 3 cấp: Cơ quan Tổng Công tố liên bang thực hành quyền công tố tại Toà án Tư pháp Liên bang và tại Toà án Cấp cao của bang đối với các vụ án về an ninh, gián điệp, khủng bố; Cơ quan Tổng Công tố bang (24 Cơ quan Tổng Công tố) thực hành quyền công tố tại Toà án Cấp cao của bang; Cơ quan Công tố Khu vực (116 Cơ quan) thực hành quyền công tố tại Toà án Khu vực và Toà án Cơ sở.
Riêng Cơ quan Tổng Công tố bang Thuringia có 11 Công tố viên cấp cao. Dưới Cơ quan Tổng Công tố bang là 4 Cơ quan Công tố Khu vực (gắn với 4 Toà án Khu vực của bang) với tổng số 185 Công tố viên (tổng số 480 kể cả cán bộ giúp việc).
Mối quan hệ giữa Cơ quan Tổng Công tố Liên bang và Cơ quan Công tố cấp dưới chỉ là mối quan hệ phối hợp, Cơ quan Tổng Công tố Liên bang không có quyền chỉ đạo Cơ quan Công tố của bang và phải chịu trách nhiệm tự điều tra các tội phạm về phản bội Tổ quốc, khủng bố,...
Chuyến thăm và làm việc tại CHLB Đức của Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC đã thành công tốt đẹp. Trong thời gian ở thăm và làm việc CHLB Đức, con người và văn hoá của đất nước Đức đã để lại cho Đoàn những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc: đó là những luật gia, những người đồng nghiệp chu đáo, dễ mến, uyên bác về luật pháp, văn học và lịch sử; những người dân Đức rất thân thiện; và những người phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp trong suốt chuyến đi dài của Đoàn. Đặc biệt là các quan chức trong ngành Tư pháp, các bạn đồng nghiệp Đức luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và mong muốn có sự hợp tác lâu dài với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.
Hoàng Chí Kiên