CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc tại Vĩnh Long và Hậu Giang

26/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 21/03/2012 vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao dẫn đầu đã về làm việc tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang. Đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được đề ra trong lộ trình giai đoạn 2006 đến 2010. Đội ngũ cán bộ tư pháp gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên…đã được củng cố, bổ sung về số lượng, đủ theo biên chế và có sự chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đảm bảo cho phục vụ hoạt động tư pháp...
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp
Trung ương làm việc tại Vĩnh Long và Hậu Giang
 
 
Ban Chỉ đạo cải cách TW  làm việc tại tỉnh Vĩnh Long
 
Ngày 21/03/2012 vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao dẫn đầu đã về làm việc tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được đề ra trong lộ trình giai đoạn 2006 đến 2010. Đội ngũ cán bộ tư pháp gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên…đã được củng cố, bổ sung về số lượng, đủ theo biên chế và có sự chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đảm bảo cho  phục vụ  hoạt động tư pháp. Hoạt động tố tụng ở các cơ quan tư pháp có sự phối hợp chặt chẽ hơn và đi vào nề nếp… Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp ở Vĩnh Long trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, yếu kém: Trong đấu tranh xử lý tội phạm, một số vụ án quá trình điều tra còn có thiếu sót. Tỉ lệ thi hành án dân sự được vẫn còn thấp... Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình đổi mới. Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chưa tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện ở các đơn vị để rút kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc. Nhiệm vụ cụ thể sắp tới của tỉnh Vĩnh Long là tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư pháp, xây dựng và hoàn thiện cơ quan tư pháp theo lộ trình mà Nghị quyết 49-NQ/TW đề ra.
Về đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực tỉnh Vĩnh Long, được dự kiến như sau: tổng số 8 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ được chia thành 4 khu vực. Khu vực 1 gồm thành phố Vĩnh Long, trụ sở Tòa án sơ thẩm khu vực đặt tại thành phố Vĩnh Long. Khu vực 2 gồm huyện Long Hồ và huyện Mang Thít, trụ sở đặt tại Tòa án nhân dân huyện Long Hồ. Khu vực 3 gồm huyện Vũng Liêm và huyện Trà Ôn, trụ sở đặt tại Tòa án nhân dân huyện Vũng Liêm. Khu vực 4 gồm huyện Tam Bình, huyện Bình Minh và huyện Bình Tân, trụ sở đặt tại Tòa án nhân dân huyện Bình Minh.
 
 
Ban Chỉ đạo cải cách TW  làm việc tại tỉnh Hậu Giang
 
Tại Hậu Giang, sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Đoàn kiểm tra yêu cầu tập trung thảo luận sâu về đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Theo đề án của tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm sẽ được chia làm 4 khu vực. Khu vực 1 gồm thành phố Vị Thanh, trụ sở đặt tại Vị Thanh, bình quân lượng án xét xử tại đây là 400 vụ/năm. Khu vực 2 gồm huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ, trụ sở đặt tại huyện Long Mỹ, bình quân lượng xét xử tại 2 huyện là 900 vụ/năm. Khu vực 3 gồm thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, trụ sở đặt tại thị xã Ngã Bảy, lượng xét xử bình quân nơi đây hơn 600 vụ/năm. Khu vực 4 gồm huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, trụ sở đặt tại huyện Châu Thành A, lượng xét xử của 2 huyện  là gần 600 vụ/năm. Về biên chế vẫn giữ nguyên biên chế nhân sự của Tòa án hiện tại. Tuy nhiên, sau khi Luật tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng vụ án hành chính do Ủy ban nhân dân, Thanh tra tỉnh chuyển sang Tòa án thụ lý khoảng 360 vụ/năm và theo tiêu chí của TAND tối cao giao mỗi Thẩm phán giải quyết từ 5 đến 6 vụ/tháng thì ngành Tòa án Hậu Giang cần phải bổ sung thêm 5 Thẩm phán và 5 Thư ký phục vụ công tác xét xử hành chính. Tại buổi làm việc cũng có ý kiến lo ngại, từ thực tế của Hậu Giang, nếu như lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có thể có khó khăn trong việc đi lại của người dân, bởi khoảng cách đến trụ sở Tòa án sẽ xa hơn trước đây.
Kết luận tại hai buổi làm việc ở tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã phát biểu nhấn mạnh, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đề cập toàn diện nhiệm vụ cải cách tư pháp nhằm góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ đất nước, xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tòa án là khâu trung tâm của quá trình Cải cách tư pháp, xét xử là khâu trọng tâm của toàn bộ hoạt động tư pháp, bởi vì thực chất hiệu quả của hoạt động tư pháp thể hiện chủ yếu ở hoạt động xét xử, ở bản án, quyết định của Tòa án…Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực không ngoài mục đích phục vụ cho việc xét xử tốt hơn.
(Theo Kiểm sát online)
Tìm kiếm