Đồng chí Trần Quyết, tên khai sinh là Phạm Văn Côn, sinh ngày 12/2/1922 tại thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên đồng chí sớm được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.
Trong suốt quá trình hoạt động của mình, đồng chí luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng và giao đảm đương những trọng trách lớn, như: Bí thư tỉnh uỷ Sơn La; Phó Bí thư khu uỷ Tây Bắc; Thứ trưởng Bộ Công an; là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khoá VI. Năm 1987, đồng chí được Quốc hội khoá VIII bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
ĐỒNG CHÍ TRẦN QUYẾT
NGƯỜI VIỆN TRƯỞNG LUÔN THỂ HIỆN TINH THẦN
KIÊN QUYẾT TẤN CÔNG TỘI PHẠM VÀ BẢO VỆ LẼ PHẢI
Trần Quốc Vượng
Uỷ viên Trung ương Đảng
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Trần Quyết, tên khai sinh là Phạm Văn Côn, sinh ngày 12/2/1922 tại thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên đồng chí sớm được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.
Trong suốt quá trình hoạt động của mình, đồng chí luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng và giao đảm đương những trọng trách lớn, như: Bí thư tỉnh uỷ Sơn La; Phó Bí thư khu uỷ Tây Bắc; Thứ trưởng Bộ Công an; là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khoá VI. Năm 1987, đồng chí được Quốc hội khoá VIII bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Trần Quyết giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND tối cao) đúng vào lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bắt tay vào thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cũng là lúc mà tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, nhiều loại vi phạm và tội phạm mới xuất hiện, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang chống phá ta một cách quyết liệt nhất, đòi thay đổi chế độ, đa nguyên đa đảng... Đó cũng là những khó khăn, thách thức đối với ngành Kiểm sát nhân dân lúc bấy giờ. Với bản lĩnh kiên cường của một người cộng sản, kinh nghiệm của người lãnh đạo ở nhiều cương vị trong các thời kỳ khác nhau, đồng chí đã cùng tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo ngành Kiểm sát quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới quản lý Nhà nước để vận dụng vào công tác kiểm sát có hiệu quả, hướng toàn bộ hoạt động của Ngành vào phục vụ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, phục vụ từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn; chống vi phạm và tội phạm phải coi trọng đến kết quả bảo vệ kinh tế - xã hội. Đó là những nội dung quan trọng trong Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo cho toàn Ngành hoạt động.
Thời gian từ năm 1987 đến năm 1990 là thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành Kiểm sát trong lĩnh vực hành chính, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước yêu cầu giữ gìn pháp chế, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý xã hội bằng pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương xã hội, đồng chí luôn kiên trì tuân thủ và bảo đảm thực hiện nguyên tắc pháp chế. Hàng năm, khi triển khai công tác cho toàn Ngành, đồng chí luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật; chú trọng phát hiện kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý; tập trung phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng.
Với chỉ đạo của đồng chí, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế thời kỳ này đã tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm, như: lương thực, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân hàng, quản lý thị trường, quản lý và sử dụng ngoại tệ... Qua đó đã phát hiện được nhiều vi phạm pháp luật, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước; trực tiếp kiến nghị với các Bộ, Ngành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, góp phần lập lại trật tự pháp luật và giữ vững nguyên tắc pháp chế trong hoạt động quản lý nhà nước.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí luôn thể hiện tinh thần tấn công tội phạm đến cùng, dù đối tượng phạm tội là ai, giữ chức vụ gì cũng đều phải bị xử lý nghiêm minh; kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải. Đây là một nét đậm trong bản chất con người đồng chí Trần Quyết. Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách Viện trưởng VKSND tối cao, không ít lần đồng chí đã đích thân xuống tận hiện trường vụ án để kiểm tra, lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp thụ lý, giải quyết vụ án, cùng tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương bàn bạc dân chủ để quyết định giải quyết vụ án một cách đúng đắn nhất. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ án phức tạp, kiên quyết đưa ra truy tố trước pháp luật người phạm tội, kể cả là người có chức vụ. Đã nhiều lần đồng chí tâm sự: “Tôi có một quan điểm bất di bất dịch là cán bộ nào trong Ngành mà làm bậy, khi có đầy đủ chứng cứ, dù đang ở cương vị nào, tôi đều cương quyết tước danh hiệu Kiểm sát viên và đuổi ra khỏi ngành. Nếu phạm tội nghiêm trọng sẽ đưa ra truy tố trước pháp luật. Ngược lại, nếu bị oan, dù có phải mang vị trí ra đánh đổi, tôi cương quyết đứng ra bảo vệ đến cùng”. ở đồng chí Trần Quyết luôn toát lên tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, kiên quyết bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân về quyết định của mình. Vụ án liên quan đến một Thứ trưởng của một Bộ bị tố giác phạm tội tham nhũng, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây thất thoát của công quỹ nhiều tỷ đồng vào năm 1990 là một ví dụ điển hình. Khi vụ việc được chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao đề nghị xem xét xử lý về hình sự, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án và thận trọng hơn, yêu cầu các cán bộ có kinh nghiệm của hai ngành Công an và Kiểm sát xem xét kỹ lưỡng hồ sơ. Đồng thời, bản thân đồng chí còn dành thời gian để trực tiếp xem xét từng tình tiết liên quan. Sau khi kiểm tra lại toàn bộ vụ án, Lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì không đủ căn cứ kết tội. Vụ án đã được giải quyết, nhưng dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với kết luận của VKSND tối cao. Đồng chí đã báo cáo, giải trình chi tiết, tỉ mỉ về từng vấn đề của vụ án trước cơ quan có thẩm quyền và cam kết: “Nếu vụ án này chúng tôi làm sai, bao che, bỏ lọt tội phạm, tôi sẽ chịu kỷ luật”. Các vấn đề liên quan được làm rõ, đồng chí đã nhận được sự đồng tình, tin tưởng. Sau vụ việc này, đồng chí thường xuyên nhắc nhở cán bộ Kiểm sát phải công tâm, bảo vệ công lý, tránh cho người dân bị oan sai bởi chỉ một phút không thận trọng của người điều tra, chúng ta sẽ đẩy nhiều số phận đến bước đường cùng.
Là người có quá trình làm Lãnh đạo trong cơ quan Đảng, trong ngành Công an nên đồng chí luôn ý thức sâu sắc về nhiệm vụ kiện toàn tổ chức, bộ máy để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Ngay từ khi mới về ngành Kiểm sát, đồng chí đã ban hành Chỉ thị về xây dựng hệ thống cơ yếu và tổ chức tuyển chọn cán bộ làm cơ yếu trong ngành Kiểm sát nhằm phục vụ công tác chỉ đạo trong Ngành được khẩn trương, chính xác; thành lập Ban Thanh tra ở VKSND tối cao để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành; tổ chức Cơ quan điều tra ở hai cấp Kiểm sát ngay sau khi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 1989 có hiệu lực thi hành; quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng Tạp chí Kiểm sát để chuyển tải các vấn đề lý luận về pháp luật, khoa học pháp lý, công tác kiểm sát và phản ánh các hoạt động của Ngành.
Với cương vị là người tổ chức và lãnh đạo hệ thống Viện kiểm sát các cấp, đồng chí luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Ngành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới. Đồng chí nhấn mạnh: “Trong tư tưởng chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các đơn vị phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy và tác phong công tác. Vấn đề cốt lõi là kiến thức. Chất lượng cán bộ hiện nay quá thấp, phải nâng cao trong thời gian ngắn, đòi hỏi phải có quyết tâm của toàn ngành”. Bản thân đồng chí rất quan tâm đến Trường đào tạo cán bộ kiểm sát. Mặc dù bận với nhiều công việc quan trọng, nhưng đồng chí thường về thăm Trường và trực tiếp giảng bài cho các lớp học sinh của Ngành. Trong quá trình công tác, đồng chí thường căn dặn: làm cán bộ Kiểm sát khó lắm, bởi có quá nhiều kẻ muốn dùng những viên đạn bọc đường hòng làm lung lay ý chí của ta, trong khi đó, chúng ta là cơ quan giữ cán cân công lý cho Nhà nước, đã làm cán cân công lý thì phải thăng bằng. Bởi vậy, muốn làm tốt nhiệm vụ đồng chí Hoàng Quốc Việt giao “Cán bộ Kiểm sát phải mẫu mực chấp hành pháp luật và có đạo đức trong sáng như pha lê”, anh em hãy giữ hai bàn tay cho trong sạch, không được nhận tiền hối lộ, đừng làm điều gì trái với lương tâm, lúc đó đầu óc mới minh mẫn, ra trước Toà mới sang sảng nói để bảo vệ công lý cho nhân dân. Đối với những cán bộ được giao trọng trách quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí yêu cầu lòng trung thành với đường lối, chính sách của Đảng; tính nguyên tắc, phong cách làm việc tập thể, dân chủ, đoàn kết, có kiến thức nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; có ý thức tổ chức kỷ luật, có lối sống trong sạch, công tâm; trung thực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách pháp luật. Tất cả điều đó là những đòi hỏi tất yếu đối với Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.
Trên năm năm làm Viện trưởng VKSND tối cao tuy không phải là dài, nhưng những gì đồng chí cống hiến cho ngành Kiểm sát thật vô cùng quý giá, để lại nhiều bài học kinh nghiệm và tấm gương cho các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân noi theo, đặc biệt là tấm gương về sự dũng cảm, kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm và bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải.