Ngày 12/10/2010, Viện khoa học kiểm sát - VKSNDTC tổ chức Hội nghị liên ngành hướng dẫn một số vướng mắc qua áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự với sự tham dự của đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an; Viện khoa học xét xử - TANDTC; cùng đại diện các đơn vị liên quan trực thuộc VKSNDTC...
Giải đáp vướng mắc trong áp dụng pháp luật hình sự
Toàn cảnh cuộc họp
Ngày 12/10/2010, Viện khoa học kiểm sát - VKSNDTC tổ chức Hội nghị liên ngành hướng dẫn một số vướng mắc qua áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự với sự tham dự của đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an; Viện khoa học xét xử - TANDTC; cùng đại diện các đơn vị liên quan trực thuộc VKSNDTC.
Trong thời gian qua, Viện khoa học kiểm sát nhận được Công văn của một số VKSND địa phương đề nghị hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong quá trình nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến thẩm quyền của VKS trong thủ tục xét xử phúc thẩm và việc xác định hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu mang tính liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. Hội nghị liên ngành lần này nhằm trao đổi để thống nhất về nhận thức hướng dẫn các VKS địa phương.
Các đại biểu thống nhất về quan điểm như: Đối với những vụ án có kháng cáo, kháng nghị tăng hoặc giảm hình phạt, khi cấp phúc thẩm nghiên cứu hồ sơ thấy cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS hoặc vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự thì VKS có quyền đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ án sơ thẩm là phù hợp với Điều 214 của BLTTHS về phạm vi xét xử phúc thẩm và phù hợp với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Điều 247 của BLTTHS. Đối với hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu mang tính liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian thì theo điểm b mục 5 phần II Thông tư liên tịch số 02 ngày 25/12/2001 của Liên ngành Trung ương: “Nếu đối tượng không nghề nghiệp, bỏ nhà đi lang thang, lấy trộm cắp làm nguồn sống chính thì phải cộng dồn giá trị tài sản chiếm đoạt để xử lý hình sự. Nếu đối tượng có nghề nghiệp, chỗ ở rõ ràng, không lấy trộm cắp làm nguồn sống chính thì không cộng dồn giá trị tài sản chiếm đoạt để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Linh Hương