Nhận lời mời của Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế (IAACA) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn dẫn đầu đã tham dự Hội nghị thường niên và Đại hội lần thứ 5 của Hiệp hội IAACA tổ chức tại thành phố Marrakech, Ma Rốc trong các ngày 22 - 23 tháng 10 năm 2011. Hiệp hội IAACA là tổ chức của các cơ quan chống tham nhũng quốc tếđược thành lập từ năm 2006 với mục đích tăng cường hợp tác quốc tếđể nâng cao hiệu quả thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng...
Hoạt động của Đoàn đại biểu VKSND tối cao
tại Hội nghị thường niên Hiệp hội các cơ quan
chống tham nhũng quốc tế lần thứ 5
tại Marrakech, Ma Rốc
Nhận lời mời của Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế (IAACA) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn dẫn đầu đã tham dự Hội nghị thường niên và Đại hội lần thứ 5 của Hiệp hội IAACA tổ chức tại thành phố Marrakech, Ma Rốc trong các ngày 22 - 23 tháng 10 năm 2011.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Tổng Thư ký Hiệp hội IAACA
Hiệp hội IAACA là tổ chức của các cơ quan chống tham nhũng quốc tếđược thành lập từ năm 2006 với mục đích tăng cường hợp tác quốc tếđể nâng cao hiệu quả thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Hiệp hội IAACA tổ chức các Hội thảo và Hội nghị thường niên để kiểm điểm kết quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng giữa các cơ quan thành viên của Hiệp hội. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam là một trong những cơ quan đã tham gia thành lập Hiệp hội IAACA và cử các đoàn cấp cao tham gia tất cả các Hội thảo, Hội nghị của Hiệp hội IAACA từ năm 2006 đến nay.
Hội nghị lần này là một trong bốn hoạt động chính của Hiệp hội IAACA trong năm 2011 bao gồm: Hoạt động nghiên cứu xây dựng Kế hoạch hành động (sửa đổi) của Hiệp hội của Nhóm hành động tại Singapore tháng 01 năm 2011; cuộc họp của Ban Chấp hành Hiệp hội cho ý kiến đối với Kế hoạch hành động (sửa đổi) của Hiệp hội tại Doha, Quata tháng 5 năm 2011; Hội thảo thường niên tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc tháng 7 năm 2011 và Hội nghị thường niên và Đại hội tại Marrakech, Ma Rốc.
Hội nghị lần này được tổ chức với sự phối hợp của Cơ quan độc lập chống tham nhũng Ma Rốc, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc (UNODC) có chủđề “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng”.Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo Viện kiểm sát, Viện Công tố, cơ quan, tổ chức chống tham nhũng của 85 nước và 8 tổ chức quốc tế. Hội nghị của Hiệp hội IAACA được tiến hành trước Hội nghị các nước thành viên Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng lần thứ 4 cũng được tổ chức tại Marrakech, Ma Rốc từ 24-28 tháng 10 năm 2011.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với
Viện trưởng VKSND tối cao Trung Quốc Tào Kiến Minh
Trong hai ngày làm việc, ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Hội nghị có hai phiên họp toàn thể và ba phiên họp chuyên đề, bàn thảo về những vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế tịch thu tài sản do tham nhũng mà có quy định tại các Điều 51 đến Điều 59 Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia xẻ kinh nghiệm về các vấn đề bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện việc chuyển dịch tài sản tham nhũng; thu hồi trực tiếp và hợp tác quốc tế trong tịch thu tài sản tham nhũng; trả lại và xử lý tài sản tham nhũng; các thỏa thuận song phương, đa phương và tương trợ tư pháp về hình sự trong tịch thu và xử lý tài sản tham nhũng. Đáng chú ý, Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận về cơ chế tịch thu tài sản tham nhũng thông qua áp dụng thủ tục thu hồi dân sự. Đây là thủ tục đặc biệt cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể phong tỏa và tịch thu tài sản của tham nhũng một cách độc lập với việc điều tra, truy tố, xét xử về hình sự. Trong thủ tục tịch thu dân sự, trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản thuộc về người có tài sản bị nghi ngờ là do phạm tội mà có.
Phiên họp bế mạc, Hội nghịđã thông qua Tuyên bố chung Marraket, trong đó khẳng định thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những mục đích chính và là nguyên tắc chủđạo của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Việc hợp tác một cách đầy đủ và hiệu quả trong thực thi các biện pháp quy định tại Chương 5 Công ước về thu hồi tài sản tham nhũng là nghĩa vụ và trách nhiệm chính của các nước thành viên Công ước. Hội nghị kêu gọi các cơ quan thành viên của Hiệp hội IAACA vượt qua những khác biệt trong hệ thống pháp luật để tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng trên cơ sở Công ước và nguyên tắc đảm bảo chủ quyền quốc gia và cùng có lợi. Đồng thời, Hội nghịđề nghị UNODC tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi trong việc nâng cao năng lực, trợ giúp kỹ thuật và tư vấn chính sách trong thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Hội nghịđã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động (sửa đổi) của Hiệp hội IAACA do Ban Chấp hành đệ trình.
Theo lời mời của Chính phủ Malaysia, Hội nghị thường niên và Đại hội lần thứ 6 của Hiệp hội IAACA sẽđược tổ chức tại Malaysia tháng 10 năm 2012.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn đã hội kiến với đồng chí Tào Kiến Minh, Chủ tịch Hiệp hội IAACA, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi và thống nhất về một số hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát hai nước trong thời gian tới. Bên lề Hội nghị, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các đoàn đại biểu Viện Công tố Campuchia, Cơ quan Tổng Chưởng lý Malaysia…
Lê Tiến