Ngày 23/4/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm; đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Đại biểu khách mời tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự trung ương; Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, Lãnh đạo cấp phòng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; các đồng chí Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp thuộc VKSND tối cao; Lãnh đạo các VKSND cấp cao; Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Lãnh đạo VKSND cấp huyện; các đồng chí Lãnh đạo VNPT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia trực tuyến tại các điểm cầu…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VKSND tối cao và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn Ngành.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao trình bày Báo cáo tổng thể về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân, kết quả đạt được trong Quý I/2024 và phương hướng, cách thức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, trong Quý I/2024, việc triển khai chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả nổi bật. Ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao đã có những chỉ đạo, tổ chức các hoạt động bước đầu chuyển đổi nhận thức thống nhất về sự cần thiết, ý nghĩa, yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số. Ngày 18/12/2023, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-VKSTC về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 đã đặt ra yêu cầu toàn Ngành cần thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; xác định đây là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 và giao cho người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm trực tiếp.
100% các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Đồng thời, VKSND tối cao đã phát động, tổ chức phong trào thi đua chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các đơn vị, tập thể, cá nhân trong toàn Ngành.
Ngày 10/4/2024, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ về chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ đã tạo ra thể chế mang tính chất nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2030.
Chuyển đổi số đã từng bước được cụ thể hoá, tới thời điểm hiện tại, tất cả các kế hoạch, chương trình về chuyển đổi số của VKSND tối cao, của ngành Kiểm sát nhân dân đều đặt ra các mục tiêu cụ thể, đó là: Lượng hoá được; được phân công cho đơn vị/cá nhân chủ trì rõ ràng; được xác định thời hạn hoàn thành theo tháng, theo năm. Điều đó thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ (trong đó đặt ra 3 mục tiêu cơ bản đến 2030: Phấn đấu 100% vụ án hình sự được xử lý toàn trình trên môi trường số; 100% hoạt động hành chính được thực hiện trên môi trường số; 100% hồ sơ vụ án, vụ việc trong Ngành đã đưa vào lưu trữ được số hoá, trên cơ sở đó hình thành kho dữ liệu số về các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát). Ngoài ra, trong thời gian qua, VKSND tối cao đã ban hành 04 Kế hoạch về việc thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số tại Cục 2, chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp Vụ tại các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, triển khai chữ ký số chuyên dùng trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai nền tảng số thống nhất trong toàn Ngành. Các ứng dụng, nền tảng số được cài đặt tập trung tại Trung tâm dữ liệu VKSND tối cao và được triển khai đồng bộ trong toàn Ngành thông qua mạng Internet để phục vụ các hoạt động hành chính và tới đây thông qua mạng diện rộng (WAN) ngành Kiểm sát nhân dân để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ. Bên cạnh đó, năng lực, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin ngành Kiểm sát nhân dân cũng được nâng cao, đồng thời lựa chọn đối tác chiến lược về chuyển đổi số để đồng hành, hỗ trợ ngành Kiểm sát nhân dân về công nghệ, con người.
Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân xác định sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và đào tạo kỹ năng số cơ bản; định danh số Kiểm sát viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân trên môi trường số; chuyển đổi số trong công tác đảng, hoạt động nghiệp vụ và hoạt động hành chính; nhân rộng, tiếp tục thí điểm các mô hình chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao một số kết quả đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong quá trình triển khai chuyển đổi số thời gian qua, đặc biệt là vai trò của Cục 2 VKSND tối cao trong công tác tham mưu Ban cán sự đảng VKSND tối cao ban hành Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ về chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chia sẻ một số vấn đề được đúc kết từ thực tiễn chuyển đổi số trong thời gian qua, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, để thực hiện thành công chuyển đổi số cần có nhiều yếu tố, trước hết là nguồn nhân lực. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, lực lượng chính để thực hiện chuyển đổi số chính là lực lượng cán bộ hiện có. VKSND đã xác định đúng vai trò của Thủ trưởng đơn vị là người ra đề bài chuyển đổi số, Cục 2 là đơn vị tham mưu, tư vấn và các doanh nghiệp công nghệ là người đưa ra giải pháp.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ứng dụng thành công mang lại hiệu quả vượt trội để phổ biến, nhân rộng trong toàn Ngành, tạo động lực để triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời mong muốn ngành Thông tin truyền thông và ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục hợp tác trong việc bảo đảm an toàn hạ tầng, xây dựng nền tảng quản lý án, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển đổi số.
Tiếp theo chương trình, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân điều hành phần thảo luận tại Hội nghị. Các đại biểu đã trình bày tham luận về những nội dung sau: Kinh nghiệm chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân Trung Quốc; mô hình chuyển đổi số cấp Vụ; kết quả xây dựng phần mềm nền tảng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số - thực tiễn và bài học kinh nghiệm; gắn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành 01 Nghị quyết và 04 Kế hoạch về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, điều đó thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất đối với vấn đề chuyển đổi số.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như các tài liệu của Cục 2 trình bày tại Hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị toàn Ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các nội dung tài liệu này, tiếp tục nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của nhiệm vụ chuyển đổi số và vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong ngành Kiểm sát nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu, Lãnh đạo VKSND các cấp.
Về nguồn nhân lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu từng bước hình thành đội ngũ Kiểm sát viên ở VKSND các cấp giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, có kỹ năng, am hiểu về chuyển đổi số và có tinh thần trách nhiệm làm lực lượng nòng cốt cho công cuộc chuyển đổi số của Ngành. Về phương pháp, cách làm, cần triển khai thí điểm, đánh giá mục tiêu nào khả thi, cách làm nào đúng, nhiệm vụ, giải pháp nào cần điều chỉnh, lấy đó làm căn cứ để nhân rộng triển khai thực hiện.
Đối với với những kiến nghị, đề xuất của Cục 2, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đồng tình về việc bảo đảm hạ tầng, thiết bị kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số, có kế hoạch bổ sung nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin cho VKSND các cấp, tổ chức cuộc thi toàn Ngành về sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án, lựa chọn đối tác về an toàn, an ninh mạng và đối tác về phân tích dữ liệu… Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao tin tưởng với sự quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ thực hiện được các mục tiêu đã đề ra đối với nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.