CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị giao ban về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác kháng nghị và giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm

31/05/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 31/5/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị giao ban về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác kháng nghị và công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
điều hành tham luận tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có Lãnh đạo Vụ 14; tập thể Lãnh đạo Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12; đại diện Lãnh đạo Vụ 11, Vụ 15, Văn phòng, Thanh tra, Cục 2, Viện cấp cao 1; cùng toàn thể công chức Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trực tuyến trong hệ thống của ngành Kiểm sát nhân dân gồm: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh; Viện cấp cao 2, 3; VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại lao động. Theo đó, trong 05 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Chỉ thị công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao, hướng dẫn nghiệp vụ công tác của đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao. VKSND các cấp đã chủ động xây dựng, sớm ban hành kế hoạch, chương trình và hướng dẫn công tác chuyên môn đúng thời hạn, chất lượng tốt, cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương mình; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đề cao tính đoàn kết, sáng tạo, chủ động trong công việc, có những biện pháp thiết thực phấn đấu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành giao.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14
 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10
 phát biểu tại Hội nghị

Vụ 10 đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; kết quả công tác của đơn vị đã đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao: Hoàn thành 100% nhiệm vụ 05 tháng đầu năm 2024 được giao theo Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 19/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác trọng tâm năm 2024 của VKSND tối cao; tỷ lệ giải quyết án giám đốc thẩm đạt 68,9% (tăng 6,1% so với cùng kỳ); tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận đạt 100%; tỷ lệ giải quyết đơn đạt 68,9% (vượt 8,9% chỉ tiêu Quốc hội và Ngành giao); ban hành 02 thông báo rút kinh nghiệm; rà soát, phân loại xử lý, giải quyết 100% đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ưu tiên giải quyết những đơn sắp hết thời hiệu nhằm giảm số đơn tồn, phản ánh thực chất tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động của các VKS cấp dưới nhìn chung đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Phát hiện kịp thời vi phạm và ban hành nhiều kiến nghị, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ kiến nghị được Tòa án chấp nhận cao (đạt 93,59%), riêng kiến nghị án hành chỉnh đạt 100%. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án chấp nhận vượt, đạt tỷ lệ cao (đạt 89,7496); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm ngang cấp chiếm 71,4% trong tổng số kháng nghị của VKS; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án chấp nhận vượt, đạt tỷ lệ cao (đạt 85%), riêng kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính đạt 100%; số vụ việc Tòa án mở phiên tòa, phiên họp có VKS tham gia đạt tỷ lệ cao(đạt 94,9%); kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án...

Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Vụ trưởng Vụ 9
 phát biểu tại Hội nghị

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Vụ trưởng Vụ 9 trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Báo cáo thể hiện, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đã được Lãnh đạo VKSND các cấp quan tâm, lựa chọn công tác này là nhiệm vụ trọng tâm đột phá ở VKSND các cấp và thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Về cơ bản, các vụ, việc đã được giải quyết kịp thời, đúng quy định, hạn chế tình trạng các vụ án tạm đình chỉ kéo dài.

Các đơn vị đều chủ động triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội và của Ngành, tăng cường công tác kháng nghị đối với bản án, quyết định ngang cấp và kháng nghị đối với bản án, quyết định cấp huyện. Nhiều đơn vị thực hiện tốt công tác kháng nghị, tỷ lệ chấp nhận kháng nghị cao. Chất lượng kháng nghị của toàn Ngành đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận cao, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã chủ động tổng hợp các vi phạm chưa đến mức kháng nghị của Tòa án, cơ quan hữu quan để ban hành kiến nghị, phòng ngừa vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án và công tác quản lý điều hành, phối hợp của cơ quan hữu quan. Chú trọng kiến nghị phòng ngừa, khắc phục đối với những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về đất đai và trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát.

Công tác kiểm tra, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị nghiệp vụ cho cấp huyện đã được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn; từ đó giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng phát hiện và xử lý các vi phạm của cơ quan, Tòa án; đồng thời hạn chế được những tồn tại, thiếu sót trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; triển khai, tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết án dân sự cho Viện kiểm sát cấp dưới.

Đồng chí Trần Hưng Bình, Vụ trưởng Vụ 12
 phát biểu tại Hội nghị

Tiếp theo chương trình Hội nghị, đồng chí Trần Hưng Bình, Vụ trưởng Vụ 12 đã trình bày Báo cáo kết quả công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, Lãnh đạo Vụ 9, Vụ 10 và các Viện cấp cao 1, 2, 3 đã tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2024, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý nghiệp vụ, phân công công việc phù hợp, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khâu phân loại xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhằm giảm số lượng đơn tồn, tăng tỷ lệ giải quyết đơn, giải quyết án.

Việc giải quyết hồ sơ qua nguồn đơn luôn đúng thời hạn luật định và đảm bảo chất lượng; đã bám sát Chỉ thị tăng cường công tác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử chấp nhận kháng nghị cao hơn yêu cầu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội.

Đồng chí Đoàn Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 10
phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Vũ Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1
 tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã trình bày các tham luận về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác kháng nghị và công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó tập trung vào các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm thực hiện tốt khâu công tác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác phối hợp tổ chức Hội nghị của các đơn vị Vụ 10, Vụ 9, Vụ 12 và các đơn vị liên quan. Để phát huy những kết quả đã đạt được trong các khâu công tác này, khắc phục một số tồn tại, hạn chế, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và các chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao. Xác định khâu công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính, dân sự là nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2024 và các năm tiếp theo, có giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện; chủ động rà soát khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả khâu công tác này nhằm phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu Quốc hội và của Ngành.

Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự phù hợp với đơn vị, địa phương mình. Nâng cao hiệu quả phát hiện vi phạm, kịp thời thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm; không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng kháng nghị, bảo đảm chặt chẽ, có căn cứ, thuyết phục. Giao Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 theo dõi sát kết quả công tác của toàn Ngành, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác, tham mưu đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khâu công tác này; sớm tham mưu đề xuất để ký ban hành hướng dẫn về tiêu chí xác định trách nhiệm của VKSND khi có án hủy, sửa hoặc kháng nghị không được Tòa án chấp nhận.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm lựa chọn, bố trí, đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này, đảm bảo về số lượng, chất lượng. Chú trọng các hình thức tự đào tạo để công chức nắm toàn diện các khâu công tác nhưng bảo đảm chuyên sâu trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Viện kiểm sát cấp trên cần quan tâm đến công tác sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ kiểm sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho VKSND cấp dưới thống nhất thực hiện trong thực tiễn; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Viện kiểm sát các cấp tăng cường tự kiểm tra nghiệp vụ đối với đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình và kiểm tra đối với Viện kiểm sát cấp dưới.

Vụ 14 chủ trì phối hợp với Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 và các đơn vị liên quan nghiên cứu, ban hành giải đáp khó khăn, vướng mắc để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành; đồng thời tổ chức phổ biến các luật mới được ban hành có liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng…); thực hiện các đề án, đề tài có liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Viện kiểm sát các cấp xây dựng, phát động phong trào thi đua, có cơ chế khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân công chức có thành tích, sáng kiến công tác trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động để kịp thời khích lệ, động viên tập thể, công chức trực tiếp làm công tác này...

TH
Tìm kiếm