Ngày 23/11/2022, VKSND tối cao chủ trì tham dự Hội nghị quan chức cao cấp của Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN lần thứ II dưới hình thức trực tuyến. Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao Việt Nam có đại diện Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Tại các điểm cầu có đại diện Ban Thư ký ASEAN và đại biểu 10 nước ASEAN.
Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN được ký ngày 29/11/2004, có hiệu lực từ ngày 25/10/2005 và được nâng cấp thành điều ước quốc tế của ASEAN năm 2019. Đây là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các nước Đông Nam Á; đồng thời, là một trong những công cụ pháp lý đa phương hữu hiệu trong khu vực, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, lâu dài, thể hiện sự nhất trí và quyết tâm chung của các nước ASEAN về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. VKSND tối cao được chỉ định là Cơ quan trung ương của Việt Nam thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN.
Tại Hội nghị quan chức cao cấp của Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự, các quốc gia ASEAN tiếp tục thảo luận, xây dựng cách thức hoạt động (Điều khoản tham chiếu); sự gia nhập của các quốc gia không phải là thành viên ASEAN; mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp; rà soát nội dung Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN năm 2004; đồng thời, cập nhật và thông báo tình hình hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của các quốc gia ASEAN trong giai đoạn 2021-2022.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 đã trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự; trong đó, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực thi Hiệp định, nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Đồng thời, Báo cáo quốc gia của Việt Nam cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Hiệp định, quy định các biện pháp và phạm vi tương trợ tư pháp nêu trong Hiệp định là tương đối hẹp, một số quy định của Hiệp định không còn phù hợp và thiếu tính ràng buộc; việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN còn chậm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Việc tham dự Hội nghị này khẳng định cam kết của Việt Nam hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh trong khu vực; khẳng định chủ trương Việt Nam là Bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.