CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính

22/06/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 22/6/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Ủy viên Ban cán sự đảng,  Phó Viện trưởng VKSND tối cao đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí là Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ 8, Vụ 11, Vụ 12, Vụ 15, Cục 2, Văn phòng VKSND tối cao, Thanh tra VKSND tối cao, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật; Lãnh đạo, công chức làm nghiệp vụ tại các đơn vị: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14; Lãnh đạo, công chức làm nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
 phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao đã trình bày chuyên đề về rút kinh nghiệm trong công tác kháng nghị các vụ án hình sự. Theo đó, trong thời gian qua, Lãnh đạo VKSND tối cao đã có sự quan tâm hơn trước đến công tác kháng nghị các bản án, quyết định về hình sự của Tòa án, coi đây là một trong những khâu công tác trọng tâm, đột phá của Ngành. Từ Chỉ thị số 08 năm 2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kháng nghị án hình sự đến các Chỉ thị của Viện trưởng về công tác hằng năm của ngành Kiểm sát nhân dân đều nhấn mạnh việc phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu xử lý, khắc phục và phòng ngừa chung.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Công tác kháng nghị được quan tâm ở tất cả các cấp Kiểm sát; các đơn vị đã chú ý quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Viện, hướng dẫn của các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao về công tác kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án; xác định đây là khâu công tác có vai trò, vị trí quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Các đơn vị đã cụ thể hóa và đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng năm của đơn vị và quan tâm thực hiện thường xuyên.

Viện kiểm sát ở nhiều nơi đã phát hiện vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị phúc thẩm; chủ động yêu cầu Tòa án chuyển đầy đủ bản án, quyết định theo quy định để có cơ sở cho việc nghiên cứu, xem xét kháng nghị, kiến nghị về những trường hợp chậm chuyển. Vì vậy, hầu hết các kháng nghị được ban hành kịp thời, không để quá hạn luật định.

Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Thông qua công tác kháng nghị, Viện kiểm sát các cấp đã góp phần khắc phục các vi phạm, thiếu sót của các cơ quan tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Cũng qua đó, phát huy được vai trò, vị thế của Ngành là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng cường lòng tin của nhân dân vào hoạt động của VKSND; đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội.

Giải pháp nâng cao chất lượng kháng nghị các vụ án hình sự được xác định là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Kiểm sát viên; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; có kế hoạch, giải pháp cụ thể thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ của Quốc hội và của Ngành; tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm vụ án; tăng cường phối hợp trong Ngành và liên ngành, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác kháng nghị…

Đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ 9
 trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Tiếp đó, đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ 9 VKSND tối cao đã trình bày chuyên đề về công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Chuyên đề đánh giá: Trong những năm qua, Lãnh đạo VKSND tối cao luôn quan tâm đến khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, coi đây là một trong những khâu công tác trọng tâm, đột phá, trong đó tập trung chú trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. VKSND các cấp đã thực hiện quyền kháng nghị theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức VKSND, Thông tư liên tịch số 02/2016 và các quy chế, quy định của Ngành… Viện kiểm sát đã phát hiện được nhiều vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án. Hầu hết kháng nghị đều chỉ ra đủ và đánh giá đúng tính chất vi phạm của bản án, quyết định, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp luật. Phương pháp lập luận rõ ràng, đánh giá chứng cứ và dẫn chiếu các quy định pháp luật làm căn cứ cho việc kháng nghị cơ bản chặt chẽ và thuyết phục. Kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới hầu hết được Viện kiểm sát cấp trên thống nhất quan điểm và bảo vệ kháng nghị. Một số vụ việc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị, Viện kiểm sát cấp trên tiếp tục kháng nghị đã được Tòa án nhân dân cấp trên chấp nhận kháng nghị.

Đối với việc gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cấp trên, Lãnh đạo các đơn vị VKSND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Kiểm sát viên, công chức thực hiện, đồng thời ban hành kiến nghị Tòa án đối với việc gửi chậm bản án, quyết định nên tình trạng gửi chậm cơ bản được khắc phục, bảo đảm các bản án, quyết định đều được hai cấp kiểm sát chặt chẽ, số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm vì thế cũng tăng lên.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chuyên đề cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác kháng nghị, đồng thời đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Cụ thể: Tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là các quy định mới; các chỉ đạo, yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao, nắm chắc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình…; Viện trưởng VKSND các cấp phải thực hiện nghiêm túc và thực chất việc trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát dân sự; trực tiếp duyệt, chỉ đạo đường lối giải quyết hoặc kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên những vụ việc mới, quan trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, có quan điểm khác nhau giữa các Ngành, có sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương; trực tiếp, kiên quyết kháng nghị bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng. Bố trí Kiểm sát viên, công chức có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín, có bản lĩnh làm công tác này và bảo đảm tính ổn định, chú ý tự đào tạo trong nội bộ, từng bước nâng cao chất lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện tốt quan hệ phối hợp với TAND cùng cấp trong việc chuyển hồ sơ, gửi bản án, quyết định; trao đổi thông tin về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. VKSND các cấp định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết nội dung vụ án, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định, nhận thức những vi phạm cần phải kiến nghị, kháng nghị; kỹ năng xây dựng quyết định kháng nghị bảo đảm có căn cứ, thuyết phục. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết công việc, trong phối hợp với Tòa án như gửi hồ sơ, bản án, quyết định nhằm rút ngắn thời gian giao nhận, bảo đảm thời hạn kháng nghị theo quy định.

Đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao đã trình bày chuyên đề về công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động. Chuyên đề đã đánh giá kết quả thực hiện công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động; nêu ra những hạn chế, thiếu sót và bài học kinh nghiệm trong khâu công tác này.

Đồng thời, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị, gồm: Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành trong công tác kháng nghị, kiến nghị và quán triệt cho cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ quyền kháng nghị, kiến nghị theo Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên giàu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm, kỹ năng phát hiện vi phạm, kháng nghị, kiến nghị; tạo động lực để đội ngũ công chức cống hiến, tận tụy, phát huy năng lực, sở trường công tác. Nghiêm túc thực hiện kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án; phân công Lãnh đạo và các Kiểm sát viên kiểm sát bản án, quyết định theo địa bàn cụ thể. Chú trọng công tác phối kết hợp giữa các đơn vị Kiểm sát ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm trong giải quyết kháng nghị, nhất là việc báo cáo, tham khảo ý kiến Viện kiểm sát cấp trên trước khi kháng nghị phúc thẩm ngang cấp…

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14
phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác phối hợp tổ chức Hội nghị của các đơn vị Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 và các đơn vị liên quan; tinh thần, thái độ nghiêm túc của các đại biểu tham dự Hội nghị và có nhiều ý kiến thực sự tâm huyết nhằm đưa công tác kháng nghị đạt chất lượng cao hơn của các đại biểu VKS địa phương; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kháng nghị, kiến nghị trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Để công tác kháng nghị được đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị, VKSND các cấp nhận thức đầy đủ về quyền kháng nghị, kiến nghị theo các quy định pháp luật và các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác này; nghiên cứu kỹ các tài liệu của Hội nghị, phổ biến cho đơn vị và cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu học tập. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phải nâng cao tình thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ bản án, quyết định, tích cực phát hiện vi phạm, sai sót của Tòa án… kịp thời báo cáo Lãnh đạo, đề xuất việc kháng nghị. Các đơn vị thuộc VKSND tối cao làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho VKSND địa phương; VKSND địa phương chủ động thỉnh thị đề xuất cấp trên kháng nghị; VKSND cấp trên trả lời thỉnh thị kịp thời, ra thông báo rút kinh nghiệm để thực hiện thống nhất, áp dụng đúng pháp luật…

TL
Tìm kiếm