Ngày 05/7/2013, tại Thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị...
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013
và Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc
Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị
Ngày 05/7/2013, tại Thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và dại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
chụp ảnh lưu niệm với VKSND tỉnh Lạng Sơn
Sau phát biểu khai mạc và nêu ý kiến chỉ đạo Hội nghị của đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Công Đức, Phó Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày “Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh khu vực miền núi biên giới phía Bắc” và đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát trình bày “Báo cáo đề dẫn về việc góp ý Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung).
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
trò truyện với VKSND tỉnh Lạng Sơn
Tại Hội nghị, các đại biểu dự Hội nghị đã có 14 ý kiến tham luận về đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh trong khu vực và một số nội dung liên quan đến sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành, các yêu cầu nêu ra trong Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 và Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát nhân dân năm 2013. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có những chuyển biến tích cực, hạn chế việc để xẩy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với các chỉ tiêu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho. Tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự phải trả tự do, tỷ lệ hồ sơ án hình sự phải trả lại để điều tra bổ sung ở mức thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; không để xẩy ra việc đình chỉ bị can do không phạm tội. Công tác kháng nghị phúc thẩm được chú trọng, chất lượng kháng nghị tốt; công tác phát hiện, quản lý, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp từng bước đi vào nề nếp. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác tổ chức cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có nhiều tiến bộ. Quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan và quan hệ với Cấp ủy ở địa phương được thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoan nghênh và biểu dương những kết quả mà Viện kiểm sát nhân dân khu vực các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013, đồng thời chỉ ra những vấn đề mà các đơn vị cần chú ý khắc phục và làm tốt trong 6 tháng cuối năm 2013. Theo đồng chí Nguyễn Hải Phong:
- Các đơn vị cần chú trọng hơn nữa để chủ động tực hiện đầy dủ quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. Đây chính là khâu “kiểm sát đầu vào” của giai đoạn tiền tố tụng hình sự.
- Sự chuyển biến về chất trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu; tiến độ giải quyết án và chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên ở một số đơn vị chưa cao. Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung tuy thấp, nhưng việc đề ra yêu cầu điều tra lại chưa nhiều; nhiều Kiểm sát viên chưa chú ý kiểm sát việc thu thấp và củng cố tài liệu trong hồ sơ trước khi kết thúc điều tra. Các đơn vị chưa chú trọng phát hiện, tổng hợp và kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp.
- Nhiều đơn vị chưa chủ động cùng với Tòa án triển khai thực hiện các phiên tòa dân sự để tổ chức rút kinh nghiệm nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, các kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại giảm trên 80% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó số án phúc thẩm bị hủy án, sửa án lại chiếm tỷ lệ khá cao.
- Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiều đơn vị chưa chú ý chọn khâu đột phá để tập trung mũi nhọn chỉ đạo trong năm 2013.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề vướng mắc do các Viện kiểm sát địa phương nêu ra tại Hội nghị và tiếp thu các ý kiến các đại biểu góp ý về Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung”.
Về công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2013, đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lưu ý để các Viện kiểm sát trong khu vực cần tập trung thực hiện một số công việc cụ thể:
- Tập trung thực hiện các biện pháp cần thiết và hữu hiệu để phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề ra. Chú trọng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Chú trọng phát hiện, tổng hợp và kiến nghị khắc phục vi phạm, sai sót trong hoạt động tư pháp. Phối hợp với các cơ quan tố tụng ở địa phương tập trung giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, các vụ án được dư luận tại địa phương quan tâm.
- Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện; nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo và Kiểm sát viên ở hai cấp theo tinh thần “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở”; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, kỷ luật, thực hiện nghiêm túc các quy chế nghiệp vụ của Ngành.
- Các Viện kiểm sát địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và cuộc vận động xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; giáo dục và rèn luyện cán bộ Kiểm sát thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trong hơn một ngày công tác tại Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã dành thời gian tiếp xúc và trao đổi với đại diện Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh Lạng Sơn; đồng thời đề nghị Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tư pháp của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chiều ngày 04/7/2013, đồng chí Nguyễn Hải Phong đã có buổi gặp mặt, nói chuyện với tập thể Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong đã thông báo với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong thời gian gần đây và nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với ngành Kiểm sát nhân dân trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự trông cậy của nhân dân, của các ngành, các cấp đối với Viện kiểm sát trong sự nghiệp cải cách tư pháp hiện nay./.
LẠI HỢP VIỆT