CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁCTHỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ KIỂM SÁT XÉT XỬ HÌNH SỰ VÀ RÚT KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ÁN KINH TẾ - CHỨC VỤ

12/09/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong các ngày 06, 07/9/2012, tại thành phố Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử án hình sự và rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án kinh tế - chức vụ. Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Đại biểu tham dự Hội nghị gồm: Vụ 3 và Viện phúc thẩm 1, 2, 3 thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên Phòng 1 và Phòng 3 của 31 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra; đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, VKS quân sự cấp Quân khu; Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật cùng các báo đài tại địa phương dự và đưa tin...
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁCTHỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ KIỂM SÁT XÉT XỬ HÌNH SỰ VÀ RÚT KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ÁN KINH TẾ - CHỨC VỤ
 
TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị
Trong các ngày 06, 07/9/2012, tại thành phố Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử án hình sự và rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án kinh tế - chức vụ. Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Đại biểu tham dự Hội nghị gồm: Vụ 3 và Viện phúc thẩm 1, 2, 3 thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên Phòng 1 và Phòng 3 của 31 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra; đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, VKS quân sự cấp Quân khu; Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật cùng các báo đài tại địa phương dự và đưa tin.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung phát biểu của Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối caoVề công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử án hình sự:
Một là, vấn đề xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật của vụ án. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa là rất quan trọng để bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát, chứng minh mọi luận điểm trong bản cáo trạng bằng việc trực tiếp xét hỏi, đưa ra những chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của từng sự việc, của từng hành vi phạm tội một cách khách quan. Chính vì vậy, việc xét hỏi của Kiểm sát viên cũng như của Hội đồng xét xử có thể có những câu hỏi, câu trả lời tại phiên tòa không khác ở giai đoạn điều tra, nhưng việc xét hỏi tại phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng vì việc xét hỏi và trả lời được diễn ra công khai và là hình thức kiểm nghiệm kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Bởi vậy, việc xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa không chỉ là yêu cầu của việc bảo đảm tính dân chủ, công khai trong hoạt động tố tụng hình sự, mà kết quả xét hỏi của Kiểm sát viên còn là căn cứ để cho Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự xác định sự thật của vụ án. Một phiên tòa xét xử sơ thẩm có thể hiện tính chất tranh tụng hay không phụ thuộc phần lớn vào vai trò của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố có chủ động xét hỏi, đưa ra những chứng cứ chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của vụ án.
Hai là,về luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là tiếp tục thực hành quyền công tố Nhà nước để bảo vệ quan điểm truy tố thể hiện trong bản cáo trạng. Nhưng khác với bản cáo trạng, luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa để phân tích những chứng cứ buộc tội, những chứng cứ gỡ tội đối với bị cáo, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, những căn cứ kết tội đối với bị cáo, nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo; phân tích, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Luận tội phải lập luận thể hiện đầy đủ quan điểm buộc tội và chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, phải đáp ứng được những yêu cầu, đề nghị của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đã nêu ra trong giai đoạn xét hỏi. Trên cơ sở đó, đề nghị Hội đồng xét xử kết án bị cáo và áp dụng hình phạt đối với từng bị cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời trên cơ sở những chứng cứ của vụ án, luận tội còn gắn với tình hình thực tế của địa phương để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho những người tham dự phiên tòa, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Vì vậy, viết luận tội là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Kiểm sát viên. Một bản luận tội có chất lượng sẽ có tính thuyết phục cao và là tiền đề thuận lợi cho việc tranh luận của Kiểm sát viên.
Luận tội không chỉ duy nhất là để buộc tội bị cáo mà khi luận tội Kiểm sát viên cần phải chú ý cả những tình tiết gỡ tội đối với bị cáo vì theo Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Nếu thấy không có căn cứ kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội”. Do vậy, để bảo đảm cho việc truy tố của Viện kiểm sát nhân dân được chính xác đòi hỏi Kiểm sát viên khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh tư duy cứng nhắc, bảo thủ, không chủ động xét hỏi và không xem xét, đánh giá đầy đủ kết quả điều tra xét hỏi công khai tại phiên tòa dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Ba là, việc đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Việc đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên đối với từng ý kiến, đề nghị của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác là rất quan trọng vì khi đối đáp tranh luận, Kiểm sát viên phải phân tích lý lẽ, phải lập luận, phải đưa ra được các quy định của pháp luật và các chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa để chứng minh phản bác lại những ý kiến không phù hợp của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đã nhận xét về luận tội để bảo vệ tính có căn cứ và tính hợp pháp quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Thông qua việc đối đáp tranh luận, những chứng cứ, quan điểm về việc giải quyết vụ án do bên buộc tội và bên bị buộc tội đưa ra nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án, góp phần cùng với Hội đồng xét xử giải quyết vụ án. Một phiên tòa có thể hiện tính chất tranh tụng hay không, phụ thuộc phần lớn vào vai trò của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa thực hiện việc đối đáp tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Việc đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa không chỉ là yêu cầu của việc bảo đảm tính dân chủ, công khai và công bằng giữa những người tham gia tố tụng với Viện kiểm sát, mà còn là căn cứ để Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự xác định sự thật của vụ án.
Từ những vấn đề đã nêu trên cho thấy xét hỏi và tranh luận (gồm luận tội và đối đáp) là giai đoạn kế tiếp nhau, có quan hệ mật thiết và chặt chẽ với nhau trong quá trình xét xử vụ án hình sự. Trong đó, giai đoạn trước là tiền đề cho giai đoạn sau và cùng mục đích là xác định sự thật khách quan của vụ án bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bởi vậy, nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa là phải chứng minh mọi luận điểm trong bản cáo trạng bằng việc chủ động xét hỏi, tranh luận và đưa ra những chứng cứ trực tiếp và những chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của từng sự việc trong vụ án. Kiểm sát viên làm tốt các hoạt động xét hỏi và đối đáp tranh luận còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giải quyết vụ án của Tòa án vì khi nghị án Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Về rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết án kinh tế chức vụ.
Cần thống nhất nhận thức về một số vấn đề liên quan đến chủ thể, khách thể của tội phạm về chức vụ là rất cần thiết cho các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề chủ thể đặc biệt, đối tượng tác động của một số tội phạm về chức vụ xâm hại đến tài sản của nhà nước còn có nhiều quan điểm như đã phân tích ở trên. Lý do dẫn tới không có sự nhận thức thống nhất là vì các qui định của Điều 277 Bộ luật Hình sự còn chưa cụ thể và chưa thống nhất với cấu thành cơ bản của một số tội phạm cụ thể tại Chương XXI Bộ luật Hình sự. Ttrong khi chưa sửa đổi, bổ sung được các qui định tại Chương XXI của BLHS thì cần nghiên cứu ban hành các văn bản dưới luật (nghị quyết, thông tư liên tịch…) để giải thích rõ về một số khái niệm trong quy định của Điều 277 BLHS, như khái niệm, phạm vi “cơ quan, tổ chức”, “người có chức vụ, quyền hạn”, “công vụ”; làm rõ đặc điểm, tính chất của tài sản là đối tượng tác động của một số tội phạm về chức vụ… nhằm tạo khung hành lang pháp lý thống nhất, tránh sự tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật hình sự...
Tại Hội nghị có 11 ý kiến phát biểu tham luận nêu những kinh nghiệm và tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập trong công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử hình sự và rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án kinh tế chức vụ.
Vào ngày 20 - 21/9/2012, tại thành phố Đà Lạt - Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn về hai nội dung trên cho Viện kiểm sát nhân dân 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào.
HÀ THÁI
Tìm kiếm