Ngày 05/10/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị: Vụ 1, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7; đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ 12, Vụ 13, Vụ 14, Vụ 15, Cục 1, Văn phòng VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội; cùng toàn thể Lãnh đạo, công chức Vụ 2 VKSND tối cao.
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Vụ 2 đã trình bày 03 Chuyên đề, gồm: Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội; nhận diện một số hành vi, phương thức, thủ đoạn phạm tội liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới; một số vấn đề cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng các chứng cứ trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê và các vụ án dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.
Theo đó, nhìn chung công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị trong thời gian qua đã có kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự xã hội. Công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đã được Viện kiểm sát cấp trên chú trọng, tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Thông qua công tác này, Viện kiểm sát cấp trên kịp thời nắm chắc, đánh giá chính xác kết quả công tác của Viện kiểm sát cấp dưới và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát cấp dưới giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác. Đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của Viện kiểm sát cấp dưới để uốn nắn, rút kinh nghiệm khắc phục những vi phạm, thiếu sót, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Công tác tiếp nhận thông tin, báo cáo đã được chú trọng, Viện kiểm sát các cấp đã thiết lập đầy đủ, lưu trữ khoa học hệ thống sổ sách quản lý, theo dõi, xử lý thông tin đảm bảo phục vụ cho công tác hướng dẫn, chỉ đạo. Quá trình theo dõi, chỉ đạo, Viện kiểm sát cấp trên luôn chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành để hướng dẫn, trả lời thỉnh thị kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát cấp dưới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao biểu dương Vụ 2 VKSND tối cao đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu để tổ chức Hội nghị; những chuyên đề trình bày tại Hội nghị đã lựa chọn được những vấn đề trọng tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và trả lời thỉnh thị của VKSND cấp trên đối với VKSND cấp dưới; để làm tốt công tác này, các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao và VKSND các cấp phải làm tốt công tác quản lý, nắm tình hình bằng nhiều phương thức, trong đó giải pháp quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý thông qua các phần mềm. Đồng thời, phải sớm phát hiện các vấn đề cần phải chỉ đạo ở những địa phương khác nhau, cũng như những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để nghiên cứu, có những hướng dẫn kịp thời cho VKSND cấp dưới.
VKSND cấp trên cần chủ động phát hiện sớm các vấn đề khó khăn, vướng mắc để có hướng dẫn chung cho toàn Ngành, quan tâm đến thời hạn và chất lượng trả lời thỉnh thị; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Ngành để thống nhất về quan điểm, nhận thức áp dụng pháp luật nhằm thực hiện tốt hơn nữa khâu công tác này trong thời gian tới.