CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự

12/11/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 12/11/2020, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí là Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc VKSND tối cao, lãnh đạo VKSND cấp cao 1 và cán bộ, công chức, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao 1.

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 7 khẳng định, trong những năm qua, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn Ngành có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan tư pháp. Thông qua công tác này, toàn Ngành triển khai thực hiện tốt Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự mới; chất lượng truy tố, tranh tụng tại phiên toà có nhiều tiến bộ; số án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án Viện kiểm sát truy tố nhưng Toà án tuyên bị cáo không phạm tội giảm dần theo từng năm; Viện kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án và ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự cũng còn một số hạn chế, thiếu sót; việc truy tố, buộc tội sai tội danh, khung hình phạt hoặc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội vẫn còn xảy ra; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên toà vẫn chưa đạt yêu cầu…

Do đó, để cập nhật, trau dồi, nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đồng thời, trao đổi những khó khăn, vưỡng mắc trong nhận thức và áp dụng Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong thời gian qua; VKSND tối cao tổ chức Hội nghị này.

Các đại biểu đã được nghe đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị phát biểu tham luận nhiều vấn đề, chuyên đề nghiệp vụ, như: Kỹ năng xử lý của Kiểm sát viên về tình huống của người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên toà xét xử vụ án hình sự; kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự ngang cấp hoặc trên một cấp; kỹ năng nhận diện vi phạm pháp luật, thiếu sót trong các bản án, quyết định hình sự của Toà án;…

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nghe nhiều ý kiến nêu vướng mắc, khó khăn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự từ thực tế thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị ở từng địa phương. Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 7 và đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 đã giải đáp và hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đồng thời, yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự đến công chức trong đơn vị; xác định rõ đây là công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, pháp lý của Ngành, góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong giải quyết án hình sự. Tổ chức triển khai các giải pháp để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án đã được cụ thể hóa trong Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành vừa được sửa đổi, bổ sung.

Lãnh đạo các đơn vị bố trí, phân công cán bộ, Kiểm sát viên giải quyết án hình sự phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong từng vụ án. Đối với những vụ án quy mô lớn, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, cần bố trí Kiểm sát viên có kinh nghiệm, khả năng tranh luận tốt và có kỹ năng hùng biện để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Quan tâm tăng cường công tác đào tạo tại chỗ, phân công các Kiểm sát viên có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn, đào tạo các Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm. Đồng thời, các đơn vị cấp phòng, cấp huyện tăng cường tự xây dựng các chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ, nhất là kỹ năng phát hiện vi phạm pháp luật để kịp thời kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; lựa chọn các chuyên đề có chất lượng để tổ chức hội nghị tập huấn toàn đơn vị.

Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; hoàn thiện các quy chế phối hợp với Tòa án, tạo cơ sở thuận lợi cho Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là việc kiểm sát bản án, quyết định để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, ban hành kháng nghị, kiến nghị; quan tâm việc kiểm sát Biên bản phiên tòa sau khi xét xử để bảo đảm việc ban hành bản án của Tòa án đúng quy định pháp luật.

Tiếp tục phối hợp hiệu quả với VKSND cấp cao trong việc gửi bản án, quyết định của Tòa án, lưu ý phối hợp tốt trong việc phát hiện vi phạm pháp luật để báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhất là các bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện có vi phạm nghiêm trọng…

NTH
Tìm kiếm