Ngày 01/7/2025, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động của mô hình VKSND 03 cấp theo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi, bổ sung năm 2025). Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trực tuyến trong toàn Ngành.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở VKSND tối cao có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng VKS quân sự trung ương; đồng chí Trần Hải Quân; đồng chí Nguyễn Đức Thái.
Đại biểu dự Hội nghị
Cùng dự có đồng chí Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy VKSND tối cao; đồng chí Trợ lý Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo Vụ và tương đương; Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các ngạch của các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Thư ký, giúp việc Lãnh đạo VKSND tối cao; công chức Phòng Tham mưu tổng hợp Văn phòng VKSND tối cao.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, từ ngày 01/7/2025, hệ thống VKSND 03 cấp chính thức đi vào hoạt động. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, với nhiều kỳ vọng đổi mới và phát triển nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức; với quy mô, khối lượng công việc rất lớn cho VKSND tỉnh mới hợp nhất và VKSND khu vực, phức tạp, nhiều nhiệm vụ mới và chưa có tiền lệ; trong đó có những nhiệm vụ trước mắt, lâu dài và cả những nhiệm vụ mới; thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngành. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND khu vực với trọng trách mới, tâm thế mới, yêu cầu mới, cao hơn trước, phải tập trung cao độ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách:
Một là, ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động. Các cấp ủy, tổ chức đảng và Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, nhất là một số đơn vị thuộc VKSND tối cao tiếp nhận nhiệm vụ của VKSND cấp cao, VKSND địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất về nhận thức, quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tập trung ổn định tổ chức bộ máy, tiếp nhận bàn giao, phân công nhiệm vụ để hoạt động ngay từ ngày 01/7/2025. Trong đó, lưu ý việc: Thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, chuyển sinh hoạt đảng; phân công nhiệm vụ trong tập thể lãnh đạo đơn vị, VKSND địa phương; kiện toàn Ủy ban Kiểm sát và Lãnh đạo cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh; chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; phối hợp và phân công kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền luật định.
Đối với các VKSND cấp tỉnh (23 tỉnh sau hợp nhất) và 355 VKSND khu vực, hầu hết đều có quy mô, biên chế, khối lượng công việc lớn hơn trước. Do vậy, Viện trưởng phải sâu sát, kịp thời nắm chắc tình hình, tập hợp đoàn kết, quy tụ tập thể đơn vị mới, phát huy năng lực, sở trường của từng công chức trong đơn vị mới để hoàn thành nhiệm vụ, không được cục bộ địa phương. Thước đo đánh giá năng lực là thành tích của đơn vị mới hợp nhất phải bằng hoặc cao hơn các đơn vị cũ.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức tập huấn các quy định mới của luật, bảo đảm thống nhất về nhận thức và thực hiện. Vụ 14 phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng chỉ thị, kế hoạch thi hành các đạo luật mới được Quốc hội thông qua; tham mưu các dự thảo thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao, Thông tư liên tịch hướng dẫn pháp luật và các quy chế, biểu mẫu nghiệp vụ; đồng thời, sớm tổ chức tập huấn toàn Ngành về quy định mới của các đạo luật có liên quan, bảo đảm thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Vụ 15 phối hợp với Vụ 14 và các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng đề án biên chế giai đoạn 2026- 2031; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về tổng biên chế, chức danh tư pháp và những vấn đề liên quan của VKSND 03 cấp mới.
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế và sửa đổi kịp thời các quy chế, quy định, nhất là Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy trình nghiệp vụ để có căn cứ pháp lý hoạt động.
Ba là, hoàn thành việc bàn giao (nhiệm vụ, hồ sơ, con dấu) bố trí trụ sở làm việc và các điều kiện để hoạt động thông suốt. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND địa phương phải chỉ đạo việc bàn giao bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Bảo đảm việc chuyển nhiệm vụ của VKSND cấp cao cho VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh theo Nghị quyết chuyển tiếp; bàn giao giữa VKSND các cấp theo đúng quy định.
Viện trưởng VKSND địa phương phải chỉ đạo bố trí trụ sở làm việc, trực tại các cơ sở, bố trí lực lượng hợp lý, đưa đón công chức, nhà công vụ và bảo đảm hoạt động thông suốt ngay từ ngày 01/7/2025. Lưu ý, phải phân công rõ trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, tài sản, phương tiện, kinh phí chặt chẽ, không để lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất lạc.
Bốn là, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thực chất, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2025. Thủ trưởng đơn vị VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND địa phương căn cứ các quy định của luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy chế, quy định của Ngành, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các chỉ tiêu của Quốc hội và kết quả công tác năm 2025; trong đó, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã nêu trong Chỉ thị công tác của ngành năm 2025; đặc biệt chú ý không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, rà soát vụ việc, vụ án tạm đình chỉ trước khi bàn giao, hợp nhất ở các lĩnh vực và phân công rõ trách nhiệm thụ lý, chỉ đạo.
Cục 2 và Văn phòng VKSND tối cao hướng dẫn toàn ngành thực hiện chế độ báo cáo, thông kê mới, phù hợp với hệ thống VKSND 03 cấp, các quy định mới của luật và thời điểm tổng kết công tác năm 2025 và phục vụ báo cáo Quốc hội.
Năm là, đổi mới phương pháp công tác, thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm tố tụng dân sự công ích. Nghị quyết về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công (tố tụng dân sự công ích), đã được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và được thực hiện trong 03 năm tại 6 tỉnh, thành phố. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, mới, khó và phức tạp, nhưng có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng của Ngành. Vụ 9, phối hợp với Vụ 14, các đơn vị liên quan và VKSND địa phương khẩn trương phối hợp, tham mưu ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn, Quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị tài liệu tập huấn, rà soát các vụ việc xảy ra ở đia phương để triển khai thực hiện thí điểm có chất lượng, hiệu quả để có căn cứ thuyết phục bảo vệ nhiệm vụ mới của Ngành trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ đột phá, chiến lược:
Thứ nhất, đổi mới công tác cán bộ. Trọng tâm là đổi mới công tác cán bộ, thông qua việc đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ theo năng lực, sở trường và yêu cầu nhiệm vụ; thực chất là phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài, chuyên gia, có tâm, có tầm, bố trí ở các nhiệm vụ trọng yếu, lĩnh vực trọng điểm, nhiệm vụ mới, đặt trong điều kiện hội nhập sâu rộng (giải quyết tranh chấp quốc tế)… để phát huy năng lực và tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ ở VKSND các cấp và của toàn Ngành. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập, phát triển trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, đẩy mạnh việc chuyển đổi số. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa toàn diện hoạt động của toàn ngành Kiểm sát nhân dân và liên thông với các hoạt động tư pháp khác để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ngành và kiểm sát quyền lực trong hoạt động tư pháp ngày càng chất lượng, hiệu quả, để khắc phục bất cập biên chế ngày càng tinh gọn nhưng phải đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng lớn và phức tạp hiện nay. Nhiệm vụ này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để toàn Ngành định hướng chuyển đổi số gắn với chuyên môn nghiệp vụ của Ngành.
Thứ ba, tập trung thực hiện tố tụng dân sự công ích, tố tụng hành chính công ích; thúc đẩy cải cách tư pháp góp phần phát triển đất nước, tích cực phục vụ Nhân dân trong thời kỳ mới. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết thí điểm tố tụng dân sự công ích; đồng thời, tiếp tục báo cáo trình phê duyệt đề án tố tụng hành chính công ích, là những nhiệm vụ mới, là định hướng quan trọng của Ngành, nhằm kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả và thực chất; đồng thời, cảnh báo, kiến nghị phòng ngừa từ sớm, từ xa thông qua các cơ chế kiểm sát, kiến nghị của VKSND thông qua các lĩnh vực dân sự, hành chính.
VKSND tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện và đề xuất các cơ chế nhằm thúc đẩy cải cách tư pháp (truy tố có điều kiện, mặc cả thú tội hoặc tập trung thực hiện các cơ chế hòa giải các tranh chấp dân sự, hành chính…thay cho cơ chế tố tụng hiện nay…); không ngừng đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, bảo đảm xây dựng nền công tố mạnh, kiểm sát hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước bền vững, bảo vệ lợi ích công, tích cực phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân…
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao tin tưởng, phát huy truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân, với sự đoàn kết, thống nhất cao và quyết tâm đổi mới, toàn Ngành tiếp tục tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và thực chất ngay từ ngày 01/7/2025 và sẽ đạt được những kết quả, thành tích cao hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao
phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Hoàng Minh Thành, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao
phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao trình bày Nghị quyết số 225/2025/QH15 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, các luật tố tụng và luật khác có liên quan (Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025)…