Ngày 10/8/2023, VKSND tối cao phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (WCS) tổ chức Hội thảo đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã.
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Nguyễn Thị Mai Nga, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao; đồng chí Dương Hùng Yên, Viện trưởng VKSND tỉnh Lào Cai; cùng dự có đại diện một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang.
Thành phần đại biểu các cơ quan, đơn vị khác có bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia WCS Việt Nam; ông Phạm Thành Trung, Quản lý Chương trình, WCS Việt Nam; ông Lê Huỳnh Tân Duy, Phó Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh; đại diện TAND tối cao, TAND tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ 14 cho biết việc tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến giải quyết các vụ án, vụ việc về động vật hoang dã; kết quả của Hội thảo góp phần hoàn thiện pháp luật về giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã; đồng thời là cơ sở để Vụ 14 cũng như các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại các quy định tố tụng hình sự để có những kiến nghị, đề xuất xác đáng, sát thực tế góp phần xây dựng Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát và sơ kết 05 thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ 14 đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận sâu vào các nội dung về pháp luật tố tụng hình sự, các đại biểu có thể cùng trao đổi, cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến động vật hoang dã để tìm ra các phương pháp, kinh nghiệm hay. Ban tổ chức tập hợp các đề xuất, giải pháp hiệu quả nhằm tiến tới hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật tố tụng hình sự nói chung và liên quan đến giải quyết các vụ án, vụ việc về động vật hoang dã nói riêng, bao gồm đề xuất về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự…
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan đã trình bày tham luận về những nội dung sau: Tổng quan, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến giải quyết các vụ án, vụ việc về động vật hoang dã; thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án liên quan tới động vật hoang dã; thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp đối với các vụ án, vụ việc về động vật hoang dã và một số đề xuất, kiến nghị; thực tiễn xét xử các vụ án về động vật hoang dã; những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản, xử lý vật chứng là động vật hoang dã trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự về động vật hoang dã…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia WCS Việt Nam đánh giá, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến khó lường. Tội phạm hình sự nói chung và tội phạm về động vật hoang dã nói riêng có xu hướng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đây là một trong những loại tội phạm nguồn, có tổ chức và liên kết chặt chẽ với nhiều loại tội phạm khác như tội: Buôn lậu; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; rửa tiền, tham ô tài sản; nhận hối lộ,… Tội phạm về động vật hoang dã cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều ước quốc tế như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia UNTOC, Công ước Liên Hợp quốc phòng chống tham nhũng (UNCAC),...
Thực tiễn công tác cho thấy pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về giải quyết các vụ án liên quan đến động vật hoang dã vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Bên cạnh đó, các điều kiện bảo đảm thực thi pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đây là những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tiến hành tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền. Nhận thức được sự cần thiết, WCS Việt Nam phối hợp với Vụ 14 VKSND tối cao đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã” để làm tốt hơn nữa khâu công tác này trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tham luận tại Hội thảo