Ngày 30/11/2022, VKSND tối cao phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội thảo thực tiễn thi hành công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp 2007 – kinh nghiệm của Nhật Bản. Đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao và ông Kono Ryzuo, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; VKSND cấp cao tại Hà Nội. Đại diện VKSND cấp tỉnh các địa phương: Hà Nội, Hải phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Thành phần đại biểu Nhật Bản có ông Kitajima Ryozo, Luật sư cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Hình sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản; bà Ishino Akina, Cán bộ Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Hình sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản; ông Chinone Koichi, Giảng viên, Công tố viên, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đạo tạo pháp luật, Bộ Tư pháp Nhật Bản; bà Inokura Minako, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13 nhấn mạnh, Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, đây là văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh quan hệ pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự ở Việt Nam.
Qua gần 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, với vai trò là cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao Việt Nam đã nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Cơ quan thực thi pháp luật trong nước và nước ngoài trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của các nước, trong đó có Nhật Bản, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự trong nước có yếu tố nước ngoài; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Việc tổ chức Hội thảo lần này nhằm đánh giá thực tiễn 14 năm thực hiện công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Đồng thời, cũng mong muốn học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự. Trong khuôn khổ Hội thảo, chuyên gia của Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ giới thiệu về Pháp luật tương trợ điều tra Nhật Bản và nội dung Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết tháng 11/2021 và có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2022; đồng thời cũng đề cập một số lưu ý đối với các cơ quan tố tụng Việt Nam khi lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Nhật Bản.
Để Hội thảo đạt được mục đích đề ra, đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13 đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo chú ý lắng nghe, tích cực phát biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tại địa phương, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình phối hợp giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước; đồng thời có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với VKSND tối cao để hoàn thiện hệ thống pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu VKSND tối cao Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày các tham luận về những nội dung sau: Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp hình sự tại Việt Nam; hướng dẫn lập yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự; giới thiệu pháp luật Tương trợ điều tra hình sự Nhật Bản; vai trò của cơ quan trung ương trong Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự…