Ngày 31/3/2003, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V9, ngày 22/3/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tiến hành cuộc họp đầu tiên do đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì...
Họp Ban chỉ đạo các Chương trình phòng,
chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Toàn cảnh cuộc họp
Ngày 31/3/2003, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V9, ngày 22/3/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tiến hành cuộc họp đầu tiên do đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.
Tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai công bố Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V9, ngày 22/3/2011, “Về việc kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân”.
Ban chỉ đạo đã nghe đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng, Phó trưởng Ban chỉ đạo, phụ trách Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; đồng chí Trần Đức Phong, Phó trưởng Ban chỉ đạo, phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy; đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó trưởng ban chỉ đạo, phụ trách Chương trình phòng, chống mại dâm và Chương trình phòng, chống mua bán người; bác sĩ Lê Minh Quang, Trưởng trạm y tế, phụ trách Chương trình phòng, chống ADIS, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về những nội dung đã triển khai thực hiện trong quý I/2011 và những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý II/2011.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực chỉ đạo một số nội dung mà Ban chỉ đạo cần lưu ý như: Lồng ghép các chương trình vào hoạt động cụ thể của Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chương trình công tác của các đơn vị có liên quan, gắn chương trình với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương, nhất là Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm Bộ Công an trong việc thực hiện các Chương trình. Xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp với Ban chỉ đạo của các địa phương; có hướng dẫn, kiểm tra đối với Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong năm 2011, cần tiến hành kiểm tra một số đơn vị về công tác này. Làm tốt công tác phòng ngừa trong nội bộ ngành. Mục tiêu là giải quyết tốt các vụ án, phát hiện nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến các loại vi phạm, tội phạm để kiến nghị các biện pháp phòng ngừa. Về công tác tuyên truyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội: Phát huy vai trò của Báo bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, trang tin điện tử của ngành để tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm, nêu những điển hình tiến tiến trong công tác này; cần có chuyên mục về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, việc triển khai, thực hiện các Luật có liên quan.
Thanh Tâm