Thực hiện Kế hoạch số 70, ngày 28/6/2011 của Liên ngành tư pháp Trung ương về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2005 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp (Thông tư số 02) “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn thành việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư trong toàn Ngành...
KẾT QUẢ SƠ KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỐ 02 VỀ GIẢI QUYẾT VÀ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Thực hiện Kế hoạch số 70, ngày 28/6/2011 của Liên ngành tư pháp Trung ương về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2005 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp (Thông tư số 02) “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn thành việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư trong toàn Ngành.
Một buổi làm việc của đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao với Cơ quan CSĐT
Công an tỉnh An Giang về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đánh giá qua 05 năm thực hiện Thông tư số 02 (từ 01/01/2006 đến 01/12/2010), công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của ngành Kiểm sát đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đã tiếp nhận, xử lý 30.006 việc khiếu nại, 3.851 việc tố cáo; thụ lý 4.509 việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, giải quyết 4.436 việc (đạt 98,3%); thụ lý 363 việc tố cáo thuộc thẩm quyền, giải quyết 348 việc (đạt 95%); công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự ban hành 2.066 kiến nghị, kết luận (tỷ lệ chấp nhận đạt 100%). Nhìn chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát các cấp thực hiện đúng thẩm quyền, thủ tục, thời hạn luật định, góp phần tích cực đảm bảo quyền dân chủ của công dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án và Cơ quan điều tra các cấp. Ban hành nhiều kiến nghị, kết luận yêu cầu khắc phục vi phạm, loại trừ những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm; bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của Tòa án và Cơ quan điều tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, thông qua đợt sơ kết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đó là: Đẩy mạnh việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khiếu nại, tố cáo, giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bất cập trong Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư, như: Điều kiện, chủ thể khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý người bị khiếu nại, tố cáo có vi phạm; xử lý người khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật; trình tự, thủ tục, văn bản kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý việc cơ quan, đơn vị được kiểm sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát. Chú trọng tổ chức tập huấn chung của Liên ngành tư pháp Trung ương đểtạo sự nhận thức thống nhất cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự các cấp đối với các quy định về khiếu nại, tố cáo trong Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 02. Triển khai nghiên cứu xây dựng danh mục đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự áp dụng cho từng ngành và chung cho các ngành để thực hiện thống nhất; nghiên cứu những nội dung về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan để hướng dẫn bổ sung vào Thông tư 02 hoặc xây dựng Thông tư liên tịch mới về giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Phạm Quốc Huy