CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo Viện KSND tối cao dự Hội nghị chuyên đề nghiệp vụ VKSND TP. Hồ Chí Minh

08/11/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 5/11/2010, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP. Hồ Chí Minh”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai , Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về chống tham nhũng; Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo VKSND TP. Hồ Chí Minh; đại diện Viện THQCT KSXX phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện Thanh tra TP. Hồ Chí Minh và hơn 140 đại biểu các cơ quan, ban ngành của thành phố...
Lãnh đạo Viện KSND tối cao dự Hội nghị chuyên đề nghiệp vụ VKSND TP. Hồ Chí Minh
 
Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao Hoàng Nghĩa Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ngày 5/11/2010, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP. Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai , Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về chống tham nhũng; Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo VKSND TP. Hồ Chí Minh; đại diện Viện THQCT KSXX phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện Thanh tra TP. Hồ Chí Minh và hơn 140 đại biểu các cơ quan, ban ngành của thành phố...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai khẳng định: Hội nghị Chuyên đề này đã làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua; nội dung các bài tham luận đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố, MTTQTP, HĐND và đại diện của lực lượng xung kích như: Công an, Kiểm sát, Toà án... trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các bài tham luận tại hội nghị đã đề xuất nhiếu ý kiến bổ ích về công tác phòng, chống tham nhũng. VKSNDTC trân trọng ghi nhận những đóng góp quý báu này. Đồng chí Phó Viện trưởng nêu rõ: Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng là mục tiêu của Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội và cần phải kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu này. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện và tố cáo các hành vi tham nhũng là rất quan trọng, là tiền đề cho công tác xử lý các vụ việc tham nhũng… Để khuyến khích, động viên việc tố cáo, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn, cần thiết có cơ chế bảo vệ người tố cáo các hành vi tham nhũng và cơ chế khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng và chịu trách nhiệm, nếu người tố cáo tham nhũng bị trả thù; cần tổ chức biểu dương, khen thưởng cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình; Xử lý tội phạm tham nhũng cần có sự kết hợp nhiều biện pháp. Trong đó, có việc phải nâng cao, bồi dưỡng kiến thức luật pháp quốc tế, tội phạm quốc tế. Chuyên đề cần nêu rõ thêm về nội dung cụ thể của công tác phòng ngừa; cần quan tâm đầu tư nhiều hơn xây dựng, về cơ chế phòng ngừa tội phạm tham nhũng.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho thấy năm 2010, công tác xử lý tham nhũng đã có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ án mới phát hiện đã được xử lý nhanh, kịp thời, dứt điểm. Các vụ án tồn đọng được tập trung xử lý. Các vụ việc nghiêm trọng, dư luận bức xúc được quan tâm chỉ đạo, xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong những năm gần đây liên tục giảm cả về số vụ và số đối tượng.
Từ ngày 01/12/2007 đến 31/8/2010, Cơ quan điều tra hai cấp của thành phố thụ lý 89 vụ, 178 bị can khởi tố về các tội phạm tham nhũng. Trong đó khởi tố mới: 69 vụ, 126 bị can, gồm: cấp thành phố là 37 vụ, 90 bị can; cấp quận, huyện là 32 vụ, 36 bị can. Chiếm tỷ lệ 0,24% trên tổng số 28.812 vụ án khởi tố và 0,34% trên tổng số 36.681 bị can khởi tố. VKSNDTC ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 10 vụ, 43 bị can.
Số liệu trên phản ánh tình hình tội phạm tham nhũng hàng năm tăng, giảm thất thường và có diễn biến phức tạp. Tội phạm tham nhũng có tỷ lệ khởi tố mới cao nhất là tội “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”. Tuy nhiên, số liệu trên cho thấy: Số lượng án tham nhũng bị phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố còn thấp, không phản ánh đúng thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng đã xảy ra.
Tội phạm tham nhũng khá phổ biến trong lĩnh vực quản lý đất đai, thường ở dạng vi phạm các qui định về quản lý và sử dụng đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền, chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà trái phép, vi phạm trong việc nghiệm thu, giám sát công trình xây dựng, khai khống vật tư, thiết bị để chiếm đoạt tiền của Nhà nước…
Nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã cấu kết với người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, do lòng tham, muốn làm giàu bằng mọi giá, làm giàu bằng cách chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Trong 197 bị can bị khởi tố về các tội phạm tham nhũng có 01 bị can nguyên là Thứ trưởng; 01 bị can nguyên là Phó Vụ trưởng; 01 bị can nguyên là Bí thư quận; 08 bị can nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp; 19 bị can nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, ngành, doanh nghiệp Nhà nước; 12 bị can nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty nước ngoài… số còn lại nguyên là cán bộ, công chức Nhà nước hoặc nghề nghiệp không ổn định.
Án tham nhũng thường có tính chất phức tạp, đông bị can, xảy ra tại nhiều địa bàn, có nhiều vụ tội phạm diễn ra trong thời gian dài, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian điều tra thường kéo dài, trong khi luật lại quy định thời gian tiến hành tố tụng giới hạn, nên nhiều vụ án chưa được giải quyết triệt để.
Viện kiểm sát và Toà án đôi khi trái ngược nhau về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, xác định khung hình phạt. Điển hình như: chưa có hướng dẫn cách tính tài sản Nhà nước thiệt hại đối với một số tội danh như “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” để có cơ sở xác định chính xác dấu hiệu định tội, định khung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội...
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Võ Thị Kim Hồng,Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh nêu: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, tăng cường phối hợp để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm tham nhũng nói riêng. Hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của ngành Kiểm sát nói riêng, của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố nói chung trong thời gian tới phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ uy tín của Nhà nước, chính quyền; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Hoạt động của Viện kiểm sát 2 cấp sẽ thực hiện theo phương châm “Vừa tích cực, chủ động phòng, ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính”; Tiếp tục giáo dục về đạo đức, trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ, Kiểm sát viên; phát hiện uốn nắn, xử lý những hành vi sai trái, loại bỏ những kẻ thoái hóa, biến chất để xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, liêm, chính, chí công, vô tư. Ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh; những cán bộ, Kiểm sát viên tham ô, nhận hối lộ; bảo vệ người dũng cảm tố cáo, đấu tranh góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Q.Sơn, Q. Hữu, T. Định
Tìm kiếm