CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao làm việc với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

17/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 17/3/2021, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã có buổi làm việc với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng tập thể Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao
phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã trình bày báo cáo công tác của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Theo đó, Nhà trường đã chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong năm 2020, Trường đã tuyển sinh được 279 sinh viên đại học hệ chính quy ngành Luật (chuyên ngành Kiểm sát), 36 sinh viên đại học hệ chính quy ngành Luật (chuyên ngành Luật thương mại) khóa 1, tiếp nhận đào tạo trình độ đại học cho 13 sinh viên quân đội, 54 học viên cao học khóa 2. Năm 2021, Trường đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyển sinh cao học chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự với chỉ tiêu dự kiến 65 học viên; xây dựng Đề án tuyển sinh đại học Khóa 9 trình lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt. Công tác tuyển sinh của Trường được triển khai dưới nhiều hình thức, như trực tiếp tuyển sinh, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác tổ chức tuyển sinh đảm bảo tuyển sinh đủ quy mô, đúng quy định nhằm ổn định nguồn thu sự nghiệp, duy trì hoạt động của Trường trong điều kiện thực hiện tự chủ về chi thường xuyên và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường được thực hiện theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm của VKSND tối cao trên cơ sở khảo sát nhu cầu của toàn Ngành và đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của Viện kiểm sát địa phương. Cụ thể: Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (9 tháng), mỗi năm Trường mở 2-3 lớp, mỗi lớp từ 80 - 130 học viên; hằng năm, Trường mở khoảng 30 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ của Ngành. Trường đã phối hợp với các VKSND địa phương để mở các bồi dưỡng theo nhu cầu; chỉ tính riêng trong Quý I năm 2021, Trường đã chủ động mở 10 lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát cho các cán bộ, Kiểm sát viên các cấp tại Trường và địa phương. Về cơ bản công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, của các VKS địa phương.

Đồng chí Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
phát biểu tại buổi làm việc

Về công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình, Trường đã hoàn thành chương trình nghiên cứu khoa học và Chương trình hội thảo khoa học cấp Trường năm 2020; hoàn thành giai đoạn 1 của 02 đề tài khoa học cấp bộ năm 2020-2021; xuất bản và phát hành 03 số Tạp chí Khoa học Kiểm sát . Hiện Trường đang triển khai 01 đề tài khoa học cấp bộ được phê duyệt năm 2021-2022, triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2020–2021; tổ chức biên soạn 06 tập giáo trình nghiệp vụ kiểm sát, 05 tập tài liệu Đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự, 29 chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể và 40 giáo trình đại học, trong đó, đã xuất bản được 31 giáo trình, chuẩn bị xuất bản mới 01 giáo trình và 08 giáo trình đang được biên soạn…

Sau khi nghe Báo cáo công tác của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, giảng viên Nhà trường, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đánh giá cao kết quả công tác của Nhà trường; đồng thời nhấn mạnh, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục, đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến yêu cầu tập thể Ban Giám hiệu, công chức, viên chức, giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, các nhà khoa học đầu ngành; đồng thời xây dựng cơ chế thu hút các nhà khoa học uy tín đến giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong điều kiện hội nhập quốc tế…

TL
Tìm kiếm