CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội

25/05/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 25/5/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo buổi lễ...
Lễ công bố Quyết định thành lập
Trường Đại học kiểm sát Hà Nội
 
 
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước
 Cộng hòa XHCN Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
 
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Diễn văn tại buổi lễ
Ngày 25/5/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo buổi lễ. Cùng dự có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Nhà trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ; đại diện Lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trực thuộc thành phố Hà Nội. Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường và các đồng chí nguyên Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao các thời kỳ; các đại biểu Quốc hội khóa XIII là cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc; đại diện Lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học viên Trường Đại học kiểm sát Hà Nội tham dự buổi lễ.
 
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay mặt BCS đảng, Lãnh đạo VKSNDTC nhận
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội
Diễn văn do đồng chí Nguyễn Hòa Bình Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tại buổi lễ thể hiện: Ngày 24/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 614/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học kiểm sát Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, với công tác đào tạo cán bộ của Ngành nói riêng. Sự kiện quan trọng này mở ra một trang mới cho công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp ở nước ta. Với truyền thống của Nhà trường, trải qua các giai đoạn với các loại hình đào tạo khác nhau, Trường đã đào tạo nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ ngay những năm mới thành lập Ngành. Đào tạo 09 khóa trình độ Trung cấp kiểm sát với 1.366 sinh viên; trình độ Cao đẳng kiểm sát 17 khóa hệ chính quy với 3.259 sinh viên; 17 khóa hệ chuyên tu Cao đẳng kiểm sát với 1.079 học viên; 19 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát với 1.852 học viên là những cán bộ đã có trình độ Cử nhân luật; bồi dưỡng trên 5.000 lượt cán bộ kiểm sát về kiến thức nghiệp vụ kiểm sát với các loại hình, đối tượng khác nhau. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Trường Đại học kiểm sát Hà Nội đi vào hoạt động là nhiệm vụ mới rất quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Trường Đại học kiểm sát Hà Nội nói riêng. Sự nghiệp cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra cho ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngành Kiểm sát nhân dân phải tập trung xây dựng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội trở thành Trung tâm đào tạo cán bộ kiểm sát có trình độ đại học chuyên ngành với chất lượng cao và trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín của Ngành. Đồng chí Viện trưởng chỉ đạo về những nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Tập trung kiện toàn đội ngũ giảng viên của Trường Đại học kiểm sát Hà Nội cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ chiêu sinh và khai giảng khóa đầu tiên của Nhà trường theo kế hoạch chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Triển khai việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, kế hoạch tuyển sinh năm học 2013 - 2014; xây dựng hệ thống giáo trình, giáo án bảo đảm tính chất của một trường đại học chuyên ngành. Để hoạt động đi vào ổn định, Trường Đại học kiểm sát Hà Nội cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo. Nhân dịp thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Trường Đại học kiểm sát Hà Nội nói riêng.
 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và
các Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội
Chúc mừng sự kiện thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đại học kiểm sát Hà Nội được thành lập sẽ tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát nhân dân chủ động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để Trường Đại học kiểm sát Hà Nội hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, ngành Kiểm sát cần tiếp tục triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các chính sách khác của Nhà nước về công tác cán bộ. Chú trọng công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng cán bộ; đồng thời có chính sách bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của Ngành luôn có sự kế thừa và phát triển. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung xác định rõ mục tiêu, phạm vi đào tạo cho phù hợp với yêu cầu cán bộ của ngành mình. Công tác tuyển sinh của Nhà trường phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có cơ chế thu hút tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở nhà trường, đáp ứng yêu cầu của một trường đại học. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội cần chủ động xây dựng hệ thống giáo án, giáo trình và bài tập phù hợp với đặc điểm của trường đại học chuyên ngành kiểm sát; chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là nơi nghiên cứu khoa học của ngành Kiểm sát nhân dân. Nhà trường cần phấn đấu bảo đảm học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, nắm vững kiến thức khoa học pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp và thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan tạo điều kiện về nguồn lực để Trường Đại học kiểm sát Hà Nội sớm ổn định, đi vào hoạt động, phát triển thành trường đại học trọng điểm quốc gia, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực.
 
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước
 Cộng hòa XHCN Việt Nam chụp ảnh chung với các đại biểu tại buổi lễ
Tại buổi Lễ, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội; bổ nhiệm đồng chí Vũ Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Đào tạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng và đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội.
 
Lễ gắn biển tên Trường Đại học kiểm sát Hà Nội
Trước đó, ngày 24/5/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ gắn biển tên Trường Đại học kiểm sát Hà Nội tại trụ sở Trường, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trường Thanh – Thành Chiến
Tìm kiếm