CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ngành Kiểm sát chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, Kiểm sát viên và kiện toàn tổ chức bộ máy VKS các cấp

09/07/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 4/7 tại TP. Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2008 khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng VKSNDTC; Thiếu tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS TW chủ trì Hội nghị. Về dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan của VKSNDTC; lãnh đạo VKSND 22 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên; Lãnh đạo VKSQS Quân khu V, Khu vực 52 và Quân đoàn 3
Ngành Kiểm sát chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, Kiểm sát viên
và kiện toàn tổ chức bộ máy VKS các cấp

 

Ngày 4/7 tại TP. Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2008 khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng VKSNDTC; Thiếu tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS TW chủ trì Hội nghị. Về dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan của VKSNDTC; lãnh đạo VKSND 22 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên; Lãnh đạo VKSQS Quân khu V, Khu vực 52 và Quân đoàn 3.

Tổng hợp Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2008 của VKSNDTC cho thấy, tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt về các lĩnh vực như tội phạm tham nhũng, buôn lậu... còn xảy ra nhiều, chậm được khắc phục đã gây những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân. Trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội đã thấy manh nha xuất hiện trở lại loại tội phạm băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Riêng tội phạm về ma tuý vẫn có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn trọng điểm với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý ngày càng tinh vi, được tổ chức chặt chẽ từ xuyên tỉnh, xuyên vùng đến xuyên quốc gia; nghiêm trọng nhất là trong tháng 6 vừa qua, CQĐT đã phát hiện và khởi tố một vụ án mua bán, vận chuyển trái phép hơn 8,8 tấn chất ma tuý do một số đối tượng người nước ngoài vận chuyển qua cảng biển Việt Nam... Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra cho ngành Kiểm sát không ít khó khăn thử thách. Ngay từ đầu năm, VKSNDTC đã ra Chỉ thị công tác của toàn ngành năm 2008 và chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKS các địa phương triển khai xây dựng và thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008. Tích cực chỉ đạo các biện pháp nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT và KSXX các vụ án hình sự; phối hợp chặt chẽ với CQĐT, TAND... đẩy nhanh tiến độ kết thúc điều tra, giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, trong đó có một số vụ án tham nhũng được dư luận rất quan tâm.
Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Kiểm sát đã tập trung vào công tác kiểm sát thi hành án (THA) cả trong án hình sự lẫn dân sự. Qua kiểm sát đã yêu cầu Tòa án ra 289 quyết định THA, yêu cầu Cơ quan Công an áp giải 426 bị án, ra quyết định truy nã 92 bị án. Trong lĩnh vực án dân sự, công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án, Cơ quan THA trong việc chậm chuyển bản án, ra quyết định THA không đúng pháp luật... Qua đó cũng đã ban hành hơn 1.000 kháng nghị, kiến nghị (hình sự 610 vụ việc, dân sự 404 vụ việc) yêu cầu Cơ quan THA khắc phục những vi phạm, góp phần đưa số bị án bị phạt tù có thời hạn đã giải quyết chiếm tỷ lệ 82,3% số bị án phải THA. VKSNDTC cũng tiếp tục kiến nghị Bộ Tư pháp rà soát lại và sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn THA dân sự không còn phù hợp và tổng hợp những ý kiến, vướng mắc của công tác KSTHA để tổ chức tập huấn toàn ngành trong quý III/2008.
Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn ngành Kiểm sát cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, KSV và kiện toàn tổ chức bộ máy VKS các cấp. Nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới về nhân lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát đã lựa chọn những cán bộ có đủ điều kiện để cử đi đào tạo ở nước ngoài, phối hợp mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, KSV; cử hơn 1.500 lượt cán bộ đi đào tạo cử nhân luật, bồi dưỡng về nghiệp vụ KS và các nghiệp vụ khác... Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngành Kiểm sát đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ của VKSND các cấp, luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ thuộc VKSNDTC về làm lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và các cơ quan ngoài ngành Kiểm sát nhằm phục vụ yêu cầu đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trong thời gian tới.
Tại Hội nghị này, hầu hết lãnh đạo VKS các tỉnh đều có ý kiến phát biểu về tình hình hoạt động của ngành Kiểm sát địa phương và nêu nhiều ý kiến, kiến nghị những vấn đề tồn tại.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Quốc Vượng đã khẳng định: 6 tháng đầu năm 2008, ngành Kiểm sát đã tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, tạo bước chuyển biến mới tích cực và hiệu quả cho hoạt động của ngành, đặc biệt các công tác kiểm sát giam giữ cải tạo, kiểm sát thi hành án, kiểm sát án dân sự... Toàn Ngành đang gấp rút khắc phục sự bất cập về nhân sự nhằm tăng cường cán bộ kiểm sát có trình độ nghiệp vụ cao, được đào tạo bài bản, chính quy; nhiệm vụ trước mắt phải nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ ở 2 trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát, đưa 2 trường này trở thành trung tâm đào tạo cán bộ nghiệp vụ của Ngành, đáp ứng nhu cầu hoàn thành nhiệm vụ và xây dựng lực lượng về lâu dài. Đồng chí Viện trưởng cũng nhấn mạnh VKSNDTC sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các VKS địa phương trong hoạt động cũng như quyền chủ động điều hành, tự chủ trong sử dụng ngân sách và mua sắm trang thiết bị..
Dưới đây báo BVPL xin trích một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tại Hội nghị:
 
      Đồng chí Phạm Hồng Tâm (Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình):
“Đề nghị phân cấp cụ thể hơn nữa trong công tác tổ chức”
Trong 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra nhiều vụ việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn tỉnh như: vụ khiếu kiện đông người ở xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy đòi phân chia lại địa giới xã và bao vây, phá phách, hành hung cán bộ và bắt giữ cả chiến sỹ công an đang thi hành nhiệm vụ; vụ nhân dân xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch phản đối dự án xây dựng nhà máy xi măng của UBND tỉnh trên địa bàn xã nên đã đào phá đường sá, đánh đập cán bộ và bao vây, đập phá nhà Chủ tịch UBND xã, đánh Chủ tịch xã bị thương phải đi cấp cứu… VKSND tỉnh Quảng Bình đã cùng với CQĐT nhanh chóng giải quyết vụ việc ở các điểm nóng. Lãnh đạo VKS tỉnh đã chỉ đạo các VKS cấp huyện cử lãnh đạo tham gia xem xét tình hình, nghiên cứu cụ thể các trường hợp CQĐT đề nghị phê chuẩn khởi tố, tạm giam để đảm bảo quyết định chính xác, không phê chuẩn tràn lan một cách nóng vội. Đồng thời, VKS tỉnh cũng đã cử đại diện lãnh đạo phối hợp với các ngành để đối thoại với nhân dân, ổn định lại tình hình trật tự trên địa bàn. VKS tỉnh Quảng Bình cũng đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt các công tác THQCT, kiểm sát án hình sự, dân sự hành chính, giam giữ cải tạo, thi hành án… Trong công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, VKS đã phối hợp với các Cơ quan Công an, Tòa án để giải quyết có hiệu quả.
Để tăng cường hiệu quả của công tác chỉ đạo, VKS Quảng Bình có một số ý kiến đề nghị về kiểm tra công tác nghiệp vụ, đề nghị VKSNDTC phải có kế hoạch trước và phân công các đồng chí Vụ trưởng hoặc Phó Vụ trưởng làm trưởng đoàn, không nên để KSV làm trưởng đoàn. Nội dung kiểm tra cần đi vào những vấn đề trọng tâm và tiến hành trong khoảng thời gian ngắn gọn, hợp lý để tránh gây phiền phức cho địa phương. Trong công tác xây dựng ngành, mặc dù VKSNDTC đã có sự phân cấp trong công tác tổ chức, giao cho Viện trưởng các địa phương trong việc quản lý, điều động cán bộ, điều hành ngân sách nhưng đề nghị có sự phân cấp cụ thể hơn nữa. Ví dụ như việc ký hợp đồng lao động theo NĐ68/CP, hiện nay địa phương sau khi xem xét phải báo cáo ra để VKSNDTC thẩm định lại trước khi ra quyết định. Theo tôi, vì số lượng hợp đồng theo NĐ68/CP VKSNDTC đã phân bổ thì nên giao cho địa phương căn cứ theo số lượng để quyết định. Một vấn đề nữa là việc phân cấp các đơn vị cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng các công trình cấp huyện thường gặp nhiều khó khăn do các đơn vị cấp huyện năng lực hạn chế, không am hiểu nhiều trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, lực lượng cán bộ lại ít, chỉ đủ tập trung cho công tác nghiệp vụ nên khi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Vậy nên đề nghị VKSNDTC xem xét, giao việc quản lý xây dựng cơ bản ở địa phương về một đầu mối ở VKS tỉnh.
 
 Đồng chí Lê Doãn Tiết (Phó Viện trưởng Viện THQCT và KSXX phúc thẩm II):
“Nâng cao chất lượng kiểm sát – thực hiện tốt công tác kháng nghị”
Qua số liệu thụ lý án phúc thẩm 6 tháng đầu năm 2008 ở địa bàn miền Trung - Tây Nguyên cho thấy tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội tăng so với cùng kỳ năm 2007 như: giết người; hiếp dâm trẻ em; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia… Trong 6 tháng đầu năm, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 433 vụ án hình sự có kháng cáo, kháng nghị; kết quả tòa phúc thẩm đã giữ y án sơ thẩm đạt tỷ lệ 80%. Các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Gia Lai, Đăk Lăk đạt từ 85-88%. Nhưng trong lĩnh vực dân sự thì số lượng án bị cải sửa, hủy... nhiều nên tỷ lệ y án sơ thẩm chỉ đạt 34%.

Trên thực tế, hiện nay công tác kháng nghị chưa được quan tâm đúng mức và tỷ lệ được Tòa chấp nhận đạt thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Viện phúc thẩm 2 đã kháng nghị 6 vụ, Tòa đã xét xử 3 vụ trong đó có 2 vụ được chấp nhận. Các VKS cấp tỉnh kháng nghị 28 vụ nhưng tỷ lệ được Tòa chấp nhận chỉ đạt 40,5%. Có một số tỉnh có chú trọng đến công tác này, có nhiều kháng nghị như Gia Lai, Quảng Nam; song bên cạnh đó cũng có tỉnh không có một kháng nghị nào. VKS phúc thẩm 2 đã cố gắng làm tốt việc kiến nghị và thông báo rút kinh nghiệm vi phạm về nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm ngày càng tiến bộ.

 
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Dung (Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận):
“Đề nghị tăng biên chế, Kiểm sát viên cho địa phương tăng thẩm quyền”
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm ở tỉnh Bình Thuận có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhóm tội phạm về sở hữu và trật tự quản lý kinh tế khởi tố 393 vụ (tăng 77 vụ), nhóm tội về trật tự an toàn xã hội khởi tố 381 vụ (tăng 14 vụ). VKS hai cấp đã thụ lý KSĐT 1.186 vụ/1.515 bị can, đã xử lý được 535 vụ/833 bị can trong đó có 19 vụ án trọng điểm và phối hợp cùng Toà án xét xử được nhiều án lưu động để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có 8/10 đơn vị được tăng thẩm quyền xét xử nên số lượng án hình sự của cấp tỉnh giảm đi đáng kể. Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam; VKS hai cấp đã thực hiện kiểm sát 25 lần nhà tạm giữ và trại tạm giam, đã phát hiện và kiến nghị có hiệu quả một số sai phạm của cơ quan chủ quản. Tham gia kiểm sát xét giảm án tha tù cho 2.708 phạm nhân tại trại Thủ Đức và 146 phạm nhân trại tạm giam đúng quy định của pháp luật...
Qua thực tiễn công tác, để nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ trong thời gian tới, VKSND tỉnh Bình Thuận có một số kiến nghị lên VKSNDTC. Thứ nhất, về tội danh “Đánh bạc” hiện nay giữa các ngành tố tụng địa phương vẫn chưa thống nhất do Nghị quyết 01 ngày 12/5/2006 của HĐTP TANDTC đã hướng dẫn không sát với thực tế. Mặc dù ngày 4/2/2008, Viện Khoa học Kiểm sát đã có văn bản 253 hướng dẫn bổ dung tương đối hợp lý nhưng các ngành Công an, Toà án chỉ xem đó là tài liệu tham khảo - nên đề nghị lãnh đạo VKSNDTC tiếp tục đề nghị TANDTC hướng dẫn bổ sung. Thứ hai, về chế độ cấp tiền bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp áp dụng trong ngành KSND (Công văn 1019 ngày 27/6/1998 của VKSNDTC) đến nay đã không còn phù hợp, đề nghị VKSNDTC xem xét và sửa đổi bổ sung cho hợp lý. Thứ ba, đề nghị tăng biên chế cho địa phương, tăng tỷ lệ KSV (nhất là đối với cấp huyện) để đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền. Thứ tư là đề nghị VKSNDTC kiến nghị Bộ Công an ưu tiên cấp kinh phí xây dựng các nhà tạm giữ được tăng thẩm quyền để đảm bảo giam giữ đúng chế độ, giảm tình trạng quá tải như hiện nay.
     Trung tá Cao Đình Nhân (Phó Viện trưởng VKSQS Khu vực 52 – Quân khu 5):
“Công tác kiểm sát đạt hiệu quả cao”
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2008, ngành KSQS Quân khu 5 đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2008. VKSQS Khu vực 52 – Quân khu 5 đã lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác KS các hoạt động tư pháp, nắm vững và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành... Nhờ vậy, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm của Viện đã không có trường hợp nào bị bắt, tạm giam, truy tố bị oan sai và sót, bỏ lọt tội phạm, không có vụ nào Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông) trong 6 tháng qua có những diễn biến phức tạp đã có tác động lớn đến tình hình vi phạm, tội phạm của lực lượng vũ trang trên địa bàn, tập trung chủ yếu vào các đơn vị, Công ty thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng. Chỉ tính từ ngày 14/6 đến 27/6/2008, toàn Binh đoàn đã xảy ra 3 vụ cướp giật, trộm cắp mủ cao su mà thời gian thực hiện tội phạm vào ban ngày và đối tượng tham gia lại hầu hết là trẻ em từ 10-13 tuổi thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số với lượng người tham gia khá đông. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm nên các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quân đội phải hết sức thận trọng, chặt chẽ trong khi tiến hành xử lý để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo phục vụ cho yêu cầu của nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. 
VPMT (thực hiện)
 
 
 
Bài: Bùi Thanh Dung
Ảnh: Bùi Quang Thanh
 
 
Tìm kiếm