CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án

22/11/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
​Ngày 22/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị “Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía Bắc”...

 

Ngày 22/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị “Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía Bắc”. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao

phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tham dự hội nghị đại diện một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Tòa án nhân cấp cao tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo 35 ngân hàng thương mại... Về phía ngành Kiểm sát nhân dân có thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng toàn thể lãnh đạo, công chức Viện cấp cao 1.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1 trình bày báo cáo tóm tắt “Nhận diện vi phạm, tội phạm lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía Bắc”. Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng chủ yếu ở hai nhóm tội tham nhũng, chức vụ và xâm phạm sở hữu. Chủ thể là người của tổ chức tín dụng vì động cơ, mục đích vụ lợi cố ý không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý không thực hiện đúng các quy định về cho vay dẫn đến thất thoát tài sản; chủ thể là người của tổ chức tín dụng cấu kết với cá nhân bên ngoài dùng thủ đoạn gian dối, thực hiện không đúng quy định về vay vốn, sử dụng công nghệ để chiếm đoạt tài sản; chủ thể là cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý của tổ chức tín dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đặc điểm của hành vi phạm tội mang tính hệ thống, do người đứng đầu, người có chức vụ quyền hạn ban hành chủ trương không đúng hoặc chỉ đạo sai, dẫn đến hàng loạt Chi nhánh, Phòng giao dịch hoặc cán bộ tín dụng thực hiện sai; hành vi phạm tội còn mang tính riêng lẻ do cá nhân thực hiện. Nhiều vụ án, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, lợi dụng sở hở trong cơ chế, chính sách, lợi dụng các quy định còn chưa chặt chẽ để thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng các thủ đoạn nghiệp vụ để che giấu tội phạm...

Trong giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, các vi phạm chủ yếu là tổ chức tín dụng và người của tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ vay vốn chưa chặt chẽ; cho khách hàng không đủ điều kiện vay vốn; cho vay đối với khách hàng không có tài sản bảo đảm khi chưa đủ điều kiện, người ký cho vay không đúng thẩm quyền, tài sản đã có giao dịch khác trước khi thế chấp; định giá tài sản bảo đảm cao hơn giá thực tế; kiểm soát giải ngân chưa tốt; quản lý khoản vay chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra sử dụng vốn khi vay vốn... Loại chủ thể thứ 2 là khách hàng, người thế chấp giả chữ ký vào các hồ sơ tín dụng, hồ sơ thế chấp để vay vốn, người có tài sản đảm bảo không tự nguyện giao tài sản theo cam kết, thay đổi địa chỉ thường trú gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ hoặc gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ án. Chủ thể thứ 3 là người có nhiệm vụ quyền hạn trong Ủy ban nhân dân, Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng công chứng đã có vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực, đăng ký thế chấp, xóa thế chấp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng Viện cấp cao 1

phát biểu tại hội nghị

Tính chất, hậu quả của tội phạm và những vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng là nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính, sự lành mạnh, ổn định của thị trường tiền tệ...

Cũng tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng Viện cấp cao 1, các đại biểu được nghe đại diện các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, các ngân hàng thương mại trình bày các báo cáo tham luận về thực trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng; khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm và giải pháp trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; kiến nghị, giải pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm...

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá cao những tham luận và ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng có chiều hướng gia tăng và phức tạp, nguyên nhân của vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là do thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát chưa chặt chẽ đã tạo cơ hội để các cá nhân, tổ chức lợi dụng; việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, việc đấu tranh với các loại vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng gặp khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, giao dịch điện tử, công nghệ số...; đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán chưa được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm tra, xác minh kéo dài...

Đồng chí Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1

 trình bày báo cáo tại hội nghị

Đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị các đơn vị phối hợp tham mưu, đề xuất sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, có cơ chế phòng ngừa vi phạm; thường xuyên tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện và cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng;  phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng để kịp thời giải quyết, ngăn chặn hành vi vi phạm; đội ngũ cán bộ tư pháp phải được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực này...

Thành Luân

Tìm kiếm