CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

27/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 26/4/2012, Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Phiên họp thứ Nhất Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và đại diện các đơn vị liên quan: Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tổng cục Hải quan. Tại Phiên họp, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố Nghị quyết số 432/2011/UBTVQH13 ngày 30/12/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)...
PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO
BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Phiên họp
Ngày 26/4/2012, Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Phiên họp thứ Nhất Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và đại diện các đơn vị liên quan: Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tổng cục Hải quan.
Tại Phiên họp, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố Nghị quyết số 432/2011/UBTVQH13 ngày 30/12/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo Nghị quyết của Quốc hội, Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) gồm 08 thành viên do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng ban; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Phó Trưởng ban Thường trực và đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Soạn thảo nhấn mạnh, pháp luật tố tụng hình sự nói chung và Bộ luật tố tụng hình sự nói riêng giữ vai trò quan trọng trong việc thể chế hoá những quy định của Hiến pháp, các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và phản ánh tiến trình dân chủ hoá cuộc sống xã hội đáp ứng các yêu cầu của nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những tiến bộ nhất định, trong đó có việc thay đổi về thủ tục tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, xác định chính xác hơn về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, mở rộng hơn quyền của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm thì việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay là hết sức cần thiết.
Đại biểu nghe trình bày dự thảo tài liệu Phiên họp gồm: Kế hoạch xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Kế hoạch tổng kết Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo và Tổ biên tập; Những định hướng cơ bản sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong phần thảo luận, đóng góp ý kiến, đa số các thành viên Ban soạn thảo sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự đều có chung quan điểm việc sửa đổi lần này nhằm ban hành một Bộ luật tố tụng hình sự mới thay thế cho Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Bộ luật mới phải nhấn mạnh tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong tố tụng hình sự hướng tới bảo vệ quyền con người và quyền dân chủ. Nội dung sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự cần xác định rõ quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công dân, bảo đảm các quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự phải làm cho các trình tự, thủ tục tố tụng cụ thể, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm tố tụng, thực hiện tốt yêu cầu trong hoạt động tố tụng hình sự.
Dự kiến quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự tiến hành trong ba năm; tháng 10/2014 hoàn thành Dự án Bộ luật trình Quốc hội.
Trường Thanh
Tìm kiếm