Trong 02 ngày 24/8 và 25/8/2023, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức tập huấn “Tăng cường hợp tác trong điều tra, truy tố tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thông qua hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự”. Đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì tập huấn.
Tham dự tập huấn có các đại biểu là Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang. Bên cạnh đó, tập huấn lần này có sự tham gia trực tiếp của đại diện Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam. Các đại diện đến từ VKSND tối cao Lào, Cơ quan Tổng chưởng lý Thái Lan và chuyên gia UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tập huấn, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao nhấn mạnh, hiện nay tội phạm xuyên quốc gia là một trong những mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Các loại tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến như tội phạm buôn bán người, các tội phạm về ma túy...Việc thực hiện tội phạm trên nhiều quốc gia hoặc sau khi thực hiện tội phạm các đối tượng đã di chuyển sang quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các loại tội phạm này. Chính vì thế công tác tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng trở nên quan trọng và là một khâu không thể bỏ qua khi thực hiện điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự. Các tài liệu thông qua kênh tương trợ tư pháp cũng là nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm.
Trên cơ sở đó, Vụ 13 VKSND tối cao phối hợp với cơ quan UNODC tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn với mục đích giúp các Kiểm sát viên VNSND các tỉnh miền Bắc cập nhật các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự và thực hành lập yêu cầu tương trợ tư pháp, tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong nước khi lập và gửi yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự cho nước ngoài thực hiện.
Tại tập huấn, đại diện Vụ 13 VKSND tối cao đã trình bày tổng quan pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp hình sự; khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam; giới thiệu sổ tay tương trợ tư pháp về hình sự và hướng dẫn các đại biểu thực hành lập yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự. Bên cạnh đó, đại biểu tham dự tập huấn được nghe về thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của Úc, Lào và Thái Lan do các chuyên gia đến từ Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam, VKSND tối cao Lào và Cơ quan Tổng chưởng lý Thái Lan trình bày. Chuyên gia UNODC cũng chia sẻ về việc thu thập chứng cứ điện tử, về hợp tác quốc tế và khu vực trong các vấn đề hình sự.
Quá trình tham dự tập huấn, các đại biểu có cơ hội thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, cùng nhau thực hành lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự theo tình huống giả định. Tập huấn đã tạo điều kiện cho các đại biểu học hỏi, tham khảo pháp luật và kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này; từ đó cùng nhau thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.
Tập huấn đã được các đại biểu trong và ngoài nước tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, đem lại nhận thức thực tiễn về vai trò của công tác tương trợ tư pháp về hình sự đang ngày càng được chú trọng và trở nên cần thiết, xuyên suốt từ khâu giải quyết nguồn tin về tội phạm đến xét xử. Để thực hiện có hiệu quả công tác tương trợ tư pháp hình sự trong thời gian tới, các đơn vị VKSND cấp tỉnh cần tiếp tục chủ động và phối hợp tốt với Vụ 13 VKSND tối cao trong công tác lập, gửi và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự.