Ngày 28/11/2022, VKSND tối cao phối hợp với Dự án EUJULE tổ chức tập huấn cho Kiểm sát viên và giảng viên nguồn về kỹ năng tố tụng thân thiện với người chưa thành niên khi giải quyết các vụ án xâm hại tình dục có nạn nhân là người chưa thành niên.
Khoá tập huấn này được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên hợp quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam.
Chương trình tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hà Nội đến điểm cầu tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu Hà Nội, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao và ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam đồng chủ trì buổi tập huấn.
Chủ trì tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có TS. Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao và bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia giảng dạy tại buổi tập huấn có bà Karen Muller và bà Karen Hollely, chuyên gia quốc tế của UNICEF.
Cùng tham dự tập huấn có các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc VKSND tối cao (Vụ 2, Vụ 14, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh); VKSND cấp cao tại Hà Nội; VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh; VKSND một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 nhấn mạnh, việc tham gia lớp tập huấn là dịp học hỏi kiến thức rất thiết thực đối với cán bộ ngành Kiểm sát. Các Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các loại án xâm hại tình dục có nạn nhân là người chưa thành niên có thể học hỏi kinh nghiệm và vận dụng kiến thức thu được từ chương trình tập huấn để áp dụng vào quá trình giải quyết án trong thực tiễn. Do vậy, đồng chí đề nghị đại biểu tham gia tập huấn với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, tuân thủ kỷ luật lớp học để tiếp thu có hiệu quả các kiến thức do chuyên gia nước ngoài cung cấp. Đồng chí Vụ trưởng Vụ 14 cũng mong muốn các chuyên gia đến từ UNICEF sẵn sàng chia sẻ với các học viên về những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà các chuyên gia có được thông qua quá trình làm việc với đại diện hệ thống tư pháp của nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam nêu rõ, tiếp cận tư pháp là quyền của người chưa thành niên, cho dù các em là nạn nhân, nhân chứng của tội phạm, người vi phạm pháp luật hay có liên quan đến pháp luật vì những lý do khác. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, người chưa thành niên thường dễ bị tổn thương và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư pháp do các em chưa trưởng thành đầy đủ, ở vị thế phụ thuộc, nhiều em bị bỏ rơi, bạo lực hoặc bóc lột. Do vậy, Công ước về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các phương pháp tiếp cận chuyên biệt khi xử lý các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên, áp dụng các thủ tục, kỹ năng và kỹ thuật khác biệt cơ bản với các thủ tục và kỹ năng áp dụng trong các vụ việc liên quan đến người thành niên.
Nhận thức được điều đó, trong những năm vừa qua, UNICEF đã đồng hành cùng Chính phủ xây dựng các chương trình tập huấn cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư đang đương nhiệm cũng như lồng ghép tư pháp cho người chưa thành niên vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật và đào tạo nghề luật. Qua đó, góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp và luật pháp phù hợp với người chưa thành niên, phù hợp với Công ước về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Khóa tập huấn này được thiết kế nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng tố tụng thân thiện với người chưa thành niên là người bị hại, đặc biệt trong các vụ án xâm hại tình dục người chưa thành niên cho các Kiểm sát viên tại Việt Nam. Nội dung khóa tập huấn tập trung vào các vấn đề nảy sinh và cần lưu ý khi làm việc với người bị hại là người chưa thành niên. Cụ thể:
- Tổng quan về các giai đoạn phát triển ở trẻ em và các sang chấn tâm lý mà người bị hại là trẻ em có thể gặp phải; các thuật ngữ/quan niệm chính trong chủ đề xâm hại tình dục trẻ em.
- Kỹ năng lấy lời khai thân thiện với trẻ em và cách thức trò chuyện với trẻ về các sang chấn tâm lý do bị xâm hại tình dục.
- Tìm hiểu các khó khăn trong công tác tìm kiếm, thu thập chứng cứ.
- Xác định tuổi của trẻ em.
- Bảo vệ và hỗ trợ người bị hại là trẻ em.
Tại buổi tập huấn, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 14 trình bày nội dung về hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam về giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người chưa thành niên.
Tiếp đó, đại biểu được nghe các chuyên gia quốc tế của UNICEF trình bày những nội dung tập huấn bao gồm: Trẻ em là người bị hại - Vấn đề về nhận thức, ảnh hưởng về mặt tâm lý, xã hội; năng lực ghi nhớ của trẻ em; người sắp thành niên và sự phát triển của não bộ; giao tiếp với trẻ em trong môi trường pháp lý; tác động của hành vi xâm hại; tiến hành lấy lời khai trước khi xét xử; bằng chứng pháp y.
Chương trình tập huấn góp phần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tố tụng thân thiện với người chưa thành niên là người bị hại, đặc biệt trong các vụ án xâm hại tình dục người chưa thành niên cho các Kiểm sát viên. Đồng thời, hỗ trợ ngành Kiểm sát nhân dân nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên.
Thông qua lớp tập huấn, các Kiểm sát viên sẽ hiểu sâu sắc hơn về người bị hại chưa thành niên và những khó khăn mà các em gặp phải khi tham gia tố tụng. Đồng thời trang bị cho các đại biểu một số kỹ năng cơ bản để giao tiếp hiệu quả với người chưa thành niên trong quá trình lấy lời khai, giúp các em khai báo cụ thể, giảm tổn thương, từ đó tăng cường hiệu quả đấu tranh với vấn nạn xâm hại người chưa thành niên.