CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thảo luận góp ý dự thảo “Định hướng nghiên cứu bước đầu về xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)”

03/12/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 02/12/2010, Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì cuộc họp với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao để góp ý dự thảo “Định hướng nghiên cứu bước đầu về xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)”...
Thảo luận góp ý dự thảo “Định hướng nghiên cứu bước đầu về xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)”
 
 Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì cuộc họp
Ngày 02/12/2010, Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì cuộc họp với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao để góp ý dự thảo “Định hướng nghiên cứu bước đầu về xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)”.
Mục đích, yêu cầu của việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhằm thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời các chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phải được tiến hành bảo đảm phù hợp với các luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các điều ước quốc tế liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 và tổng kết thực tiễn, bảo đảm tính kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; tiến hành đồng bộ với việc đổi mới và kiện toàn các cơ quan tư pháp. Phạm vi sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lần này được xác định là căn bản, toàn diện.
Có 16 ý kiến thảo luận đều nhất trí cao với bản dự thảo về “Định hướng nghiên cứu bước đầu xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)”. Các ý kiến tập trung phân tích sâu quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo hướng nghiên cứu xác định rõ bản chất đối tượng, phạm vi, nội dung chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự. Làm rõ hơn thẩm quyền của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ. Mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát với một số loại tội phạm khác ngoài tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Nghiên cứu mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hành chính. Tăng cường trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát thi hành án. Về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phải xác định rõ vị trí, thẩm quyền, cấu trúc, mối quan hệ của các cấp kiểm sát nhằm bảo đảm hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát vận hành hiệu quả. Nhiều ý kiến cũng đề cập đến công tác cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của các cơ quan dân cử; điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Phát biểu kết luận, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo, đồng thời nhấn mạnh về tính cấp thiết trong việc triển khai định hướng nghiên cứu xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Phó Viện trưởng chỉ đạo việc nghiên cứu cần bám sát, thể chế hoá các nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động, rà soát lại toàn bộ các quy định của các luật, pháp lệnh liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, giữ lại những quy định đang phát huy hiệu quả, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới. Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể lưu ý trong quá trình nghiên cứu cần tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát các nước trên thế giới và trong khu vực cho phù hợp với truyền thống văn hoá, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta.
Tin và ảnh: Trường Thanh
 
 
 
Tìm kiếm