Thực hiện Nghị quyết Hội nghịlần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”,ngày 08/3/2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Kế hoạch số 179/KH-VKSTC-V9 triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Căn cứ các tiêu chí của cuộc vận động, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc tổ chức phong trào và các nội dung cụ thể để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua như sau:...
Thực hiện cuộc vận động thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”,ngày 08/3/2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Kế hoạch số 179/KH-VKSTC-V9 triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Căn cứ các tiêu chí của cuộc vận động, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc tổ chức phong trào và các nội dung cụ thể để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua như sau:
Trong năm 2012, ngoài việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên để phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu Chỉ thị về công tác kiểm sát của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toàn Ngành đã tổ chức đợt thi đua “ Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và hưởng ứng phong trào thi đua “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Cùng với các phong trào thi đua trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phát động thi đua thực hiện cuộc vân động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên” Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Như vậy, ngoài việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị về công tác Kiểm sát hàng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toàn Ngành còn tổ chức 2 đợt thi đua theo các chủ đề như đã nêu trên, thời điểm thi đua từ 1/6 năm trước đến 31/5 năm sau để đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và bình xét, đề nghị khen thưởng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân 26/7 hàng năm. Về phong trào thi đua Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và hưởng ứng phong trào thi đua “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn phát động phong trào thi đua số 1854/VKSTC-VP ngày 20/6/2011 và Công văn số 3535/VKSTC-VP ngày 08/11/2011 hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung thi đua “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được bản cam kết của các cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên và các tập thể trong toàn Ngành đăng ký thi đua thực hiện tốt cuộc vận động theo các tiêu chí đã đề ra.
Để đợt thi đua đặc biệt đạt kết quả thiết thực, Thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Ngành lưu ý các đơn vị khi bình xét thi đua để đề nghị khen thưởng cần tập trung làm rõ việc thực hiện nội dung của một số tiêu chí chung như sau:
Tiêu chí giỏi về nghiệp vụ: theo quy định của nội dung này thì cần phải nêu được số lượng, chất lượng cụ thể của các chuyên đề tổng kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn kiểm tra nghiệp vụ đối với các đơn vị cấp dưới trong phạm vi toàn quốc đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Điều tra viên cao cấp cũng như kết quả tham gia xây dựng chuyên đề tổng kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn kiểm tra nghiệp vụ đối với các đơn vị cấp dưới trong phạm vi quản lý của Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp quân khu và tương đương.
Về tiêu chí bản lĩnh ( nghề nghiệp): để đánh giá tinh thần dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Kiểm sát viên, Điều tra viên các cấp, các đơn vị cần phải dựa trên cơ sở hoạt động và quan điểm của mỗi Kiểm sát viên, Điều tra viên khi giải quyết cũng như đề xuất các hình thức, biện pháp giải quyết trong từng vụ việc cụ thể mà trong từng vụ việc ấy bản lĩnh nghề nghiệp phải được thể hiện, không xảy ra việc né tránh, đùn đẩy.
Đối với các tiêu chí chung còn lại, kết quả thực hiện nội dung của các tiêu chí này đều gắn với kết quả thực hiện các chỉ tiêu của các tiêu chí cụ thể trong từng lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên.
Theo chỉ đạo, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; đối tượng tham gia cuộc vận động bao gồm toàn thể công chức, viên chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên, kể cả công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành. Căn cứ vào mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng đặc biệt của cuộc vận động, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định đối tượng khen thưởng như sau:
Về tập thể: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; cấp phòng, khoa thuộc các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát quân sự khu vực và các ban Viện kiểm sát quân khu và tương đương; cấp phòng Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Về cá nhân: Tất cả công chức, viên chức trong Ngành, kể cả cán bộ, chiến sỹ trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Để đảm bảo việc khen thưởng chính xác, có chất lượng, các đối tượng đề nghị khen thưởng thực sự tiêu biểu nhằm động viên và thúc đẩy có hiệu quả phong trào thi đua, các đơn vị cần lưu ý:
Đối với tập thể, đề nghị khen thưởng không quá 1/4 trong tổng số tập thể của đơn vị mình.
Đối với cá nhân, các đơn vị đề nghị khen thưởng không quá 10% tổng số công chức, viên chức hiện đang công tác tại đơn vị.
Riêng đối với các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, các đơn vị nên lấy đối tượng là các Kiểm sát viên và Điều tra viên để đề nghị khen thưởng.
Hình thức khen thưởng cao nhất là Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tiến tới kỷ niệm 52 năm ngảy thành lập ngành Kiểm sát nhân dân 26/7/1960 - 26/7/2012, toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với khí thế mới, nội dung mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm.
Bùi Luận