Tôi xin phép được gọi là cụ Trần Quyết, với tất cả tấm lòng và sự kính trọng về cụ Trung tướng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khoá VI, nguyên Tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Mặc dù đã biết cụ bị trọng bệnh từ cuối năm Kỷ Sửu, nhưng khi được tin cụđã ra đi vào cõi vĩnh hằng lúc 0 giờ 39' ngày 01 tháng 3 năm 2010 chúng tôi vẫn bàng hoàng trong niềm tiếc thương Cụ.
THƯƠNG NHỚ CỤ TRẦN QUYẾT
Lại Hợp Việt
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Trần Quyết trao các danh hiệu thi đua của ngành KSND
Tôi xin phép được gọi là cụ Trần Quyết, với tất cả tấm lòng và sự kính trọng về cụ Trung tướng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khoá VI, nguyên Tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Mặc dù đã biết cụ bị trọng bệnh từ cuối năm Kỷ Sửu, nhưng khi được tin cụ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng lúc 0 giờ 39' ngày 01 tháng 3 năm 2010 chúng tôi vẫn bàng hoàng trong niềm tiếc thương Cụ.
Gần trọn đời tham gia cách mạng, đem sức khoẻ và trí tuệ của mình phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh và bảo vệ pháp chế của đất nước, cụ Trần Quyết đã được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách quan trọng. Cụ từng là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI, Bí thư Trung ương Đảng khoá VI, đại biểu Quốc hội khoá VIII, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 1987 đến năm 1992.
Là người đã từng được trực tiếp làm việc “văn chương, chữ nghĩa” giúp cụ khi đương nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tôi xin được viết đôi dòng về Cụ.
Tôi đã có dịp chứng kiến nhiều việc làm của Cụ với một phong cách mà tôi thường nghĩ là “rất Trần Quyết”. Cụ Trần Quyết là người luôn hăng hái, nhiệt tình; không làm thì thôi màđã làm là làm đến nơi, đến chốn; lúc nào cũng tỏ rõ bản lĩnh và ý chí chiến đấu, luôn có thái độ rõ ràng trước mọi sự việc đúng, sai.
Sáng ngày 4 tháng 7 năm 2005, tôi nhận được điện thoại của Cụ hẹn hết giờ làm việc đến nhà chơi và trò chuyện cùng Cụ. Đúng hẹn 17 giờ 00’ cùng ngày, tôi đã có mặt tại số nhà 17 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Tuy ở tuổi ngoại bát thập niên, bước đi có phần cẩn thận, song nhìn trong ánh mắt của Cụ vẫn thể hiện rất rõ sự tinh anh và khảng khái.
Ngồi với Cụ, tôi lại được nghe và trực tiếp trao đổi với Cụ về nhiều việc, từ những chuyện khi Cụ còn đương nhiệm Viện trưởng, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đến những công việc cụ thể của ngành Kiểm sát nhân dân hiện tại mà một cán bộ lão thành như Cụ vẫn còn trăn trở, lo toan. Một giờ ngồi nói chuyện với Cụ đã để lại cho tôi nhiều điều bổ ích.
Bản thân tôi và không ít đồng chí khác rất khâm phục Cụ, người con trai của vùng chiêm trũng Hà Nam mới 18 tuổi đã tham gia cách mạng, 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt tù đầy và chính tại nơi tù đầy đã cùng các chiến sĩ cách mạng tổ chức khởi nghĩa để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; khi 23 tuổi cụ đã được bầu làm Uỷ viên Ban cán sự lâm thời tỉnh Hà Nam, năm 24 tuổi cụđược cử làm Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La. Khi đến thăm Cụ, tôi đem chuyện đó ra trực tiếp hỏi; cụ Quyết nói: “Ngành Kiểm sát ta có các đồng chí lãnh đạo trước tôi vĩ đại lắm, đồng chí biết đấy, anh Hoàng Quốc Việt như là một Lão thần, được Đảng cử sang tổ chức và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân trong suốt 16 năm liền, sau đó là anh Trần Hữu Dực, rồi anh Trần Lê, toàn là các đồng chí cách mạng kiên cường và lão luyện cả. Tôi chỉ là người thực hiện nhiệm vụ kế tiếp của các anh ấy theo sự phân công của Đảng mà thôi”. Một con người đã từng vang tiếng trên mặt trận đấu tranh giữ gìn an ninh trật tự, kiên quyết bảo vệ pháp chế, giữ gìn kỷ cương phép nước lại ngại nói về mình như vậy đấy.
Hai mươi bốn tuổi được giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh uỷ, từ năm 25 tuổi đến năm 35 tuổi lần lượt giữ các chức vụ Khu uỷ viên Khu 14, Khu uỷ viên Khu 10, Uỷ viên Liên khu uỷ Việt Bắc, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc và Phó Bí thư Khu uỷ Tây Bắc; cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Trần Quyết gắn liền với bà con các dân tộc và núi rừng Tây Bắc. Năm 1963 cụ Quyết được điều động về làm Cục trưởng Cục bảo vệ nội bộ của Bộ Công an, đến năm 1967 được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Công an cho đến khi sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi là đảng viên, khi làm Bí thư Tỉnh uỷ, rồi Khu uỷ viên đến khi làm Uỷ viên Trung ương rồi Bí thư Trung ương Đảng; ở cương vị nào cụ Trần Quyết cũng làm việc với ý chí và bản lĩnh như một vị tướng trên mặt trận, dũng cảm và kiên cường, dứt khoát và nhanh nhạy; những việc gì còn phân vân thì kiểm tra đến nơi, đến chốn. Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng xẩy ra trong thời gian Cụ làm Viện trưởng đến khi kết thúc điều tra vẫn còn những điều chưa rõ, Cụ đã về tận nơi, xem tận chỗ để kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp.
Cuối những năm 80, ở huyện Mường Khương, Hoàng Liên Sơn xẩy ra vụ án 7 người ở bản Sen giáp biên giới bị bắn chết. Sau nhiều tháng điều tra, nhưng chứng cứ thu thập được vẫn chưa đầy đủ, căn cứ để buộc tội bị can chưa vững chắc, nhiều tài liệu trong hồ sơ điều tra vẫn còn mâu thuẫn, nhất là đối chiếu giữa hiện trường với các lời khai của những người có liên quan. Sau khi nghe Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn và Vụ 2B báo cáo về vụ án, Cụ Trần Quyết đã quyết định trực tiếp đi lên bản Sen xem thực địa hiện trường. Đồng chí Nguyễn Trọng Thụ, Phó Vụ trưởng Vụ 2B và tôi được cử đi tháp tùng Cụ trong chuyến công tác này. Ngay tối đầu tiên đến Yên Bái, Cụ đã yêu cầu Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn báo cáo lại một lần nữa về vụ án. Cụ hỏi rất kỹ những cán bộ trực tiếp điều tra vụ án về hiện trường, về cách thức thu thập chứng cứ ban đầu để chuẩn bị cho chuyến đi sáng hôm sau lên bản Sen. Sáng hôm sau, Cụ chỉ đạo đi bản Sen từ rất sớm. Chiếc U oát của Liên Xô xe chở Cụ đã vượt trước xe của chúng tôi hơn 1 tiếng. Sau đó anh Thân Quang Trung, lái xe cho Cụ đã kể lại rằng trên đường đi Cụ dục phải đi nhanh để thấy được hiện trường khi ánh nắng còn tốt. Tối hôm trước, tôi nói với anh chị em ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn chuẩn bị cho mấy chai nước đun gạo rang với muối để dùng khi trèo núi. Khi đến chân núi ở bản Sen, cụ Trần Quyết là người đầu tiên bước lên lối mòn lên đỉnh núi, vừa đi Cụ vừa nói chuyện đi rừng thời Cụ còn trai trẻ, còn hoạt động ở Tây Bắc. Ngoài 60 tuổi nhưng Cụ vẫn leo núi bình thường, thỉnh thoảng mới dùng một chút nước gạo rang với muối. Các đồng chí Điều tra viên Công an Hoàng Liên Sơn thấy vậy nói với nhau: "Cụ có nước sâm nên đi núi khoẻ vậy". Tới hiện trường, Cụ yêu cầu Điều tra viên dẫn đi xem từng địa điểm trong hiện trường đã xẩy ra vụ án. Nạn nhân của vụ án bị chết do đạn bắn, nên Cụ rất chú ý đến địa hình để xác định hướng đi của đạn tới nơi nạn nhân bị bắn. Cụ yêu cầu anh em Điều tra viên mô tả chi tiết lại hiện trường khi khám nghiệm... Hơn 1 tiếng trên hiện trường, những vấn đề còn chưa rõ trong khi nghe báo cáo về vụ án, đã được dần dần sáng tỏ. Sau chuyến đi thực địa tại bản Sen, vụ án này đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, xử lý dứt điểm và đúng pháp luật. Các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau này đã noi gương Cụ, chỉ đạo công tác kiểm sát điều tra rất cụ thể, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong khi kiểm sát điều tra vụ án, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Khi đương nhiệm hoặc lúc đã nghỉ hưu, Cụ rất bức xúc khi thấy những vi phạm nghiêm trọng ở ngành này, ngành khác, nhất làđối với những cán bộ có chức, có quyền lại lợi dụng chức quyền để tự giành cho mình những thứ đặc quyền, đặc lợi. Nhiều vụ án tham ô, cố ý làm trái các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước đã được Cụ và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đối với những vụ việc do báo chí và dư luận nêu lên, Cụ chỉ đạo quan tâm giải quyết, xử lý, thấy có căn cứ thì kiên quyết khởi tố, điều tra; thấy không có căn cứ thì kết luận rõ ràng. Trong diễn đàn Quốc hội khoá VIII, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải trình về vụ án Cố ý làm trái ở Bộ Lâm nghiệp (cũ) trong đó ông Thân Trung Hiếu, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp đã bị khởi tố bị can. Với trách nhiệm và tính cẩn trọng cao, cụ Trần Quyết đã nghe rất nhiều lần, trực tiếp xem, đọc một số tài liệu trong hồ sơ vụ án; sau nhiều lần nghe báo cáo, nhiều phiên họp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Cụđã kết luận ông Thân Trung Hiếu không phạm tội như tội danh đã khởi tố. Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Cụ nói với tôi: "Cậu làm việc kỹ với các Vụ, lấy tài liệu nghiên cứu kỹ để chuẩn bị cho tôi bản Báo cáo giải trình trước Quốc hội về vụ án Thân Trung Hiếu". Cụ dặn: "Báo cáo này phải diễn giải trung thực trên cơ sở các tài liệu mà Cơ quan điều tra đã thu thập được; phải lấy chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chứng cứ có được để phân tích một cách khách quan, toàn diện". Sau 3 ngày chuẩn bị, tôi cùng các đồng chí ở Vụ kiểm sát điều tra án kinh tế lúc đó đã hoàn chỉnh báo cáo sau khi trình Cụ duyệt 3 lần. Trước diễn đàn Quốc hội, Cụ đã thuyết trình, lý giải có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự. Bản thuyết trình của Cụđược các đại biểu Quốc hội khoá VIII đồng tình.
Một nhiệm kỳ làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ Trần Quyết rất chăm lo đến việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố và công tác xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. Cũng từ năm 1987 đến năm 1992, hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân đã thu được những kết quả rất tốt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường công tác quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Tại Hội nghị toàn ngành Kiểm sát nhân dân năm 1988, với cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi kết luận Cụ đã yêu cầu "Cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện đạo đức, phẩm chất, làm theo lời dạy của Bác Hồ, phải luôn công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Cán bộ Kiểm sát phải có cái đầu tỉnh táo để phân biệt đúng, sai; phải có bàn tay sạch sẽ để cầm cân, nẩy mực khi làm pháp luật". Chính vì vậy, các trường hợp cán bộ có vi phạm đều được xử lý kịp thời, có lý, có tình; sau đó các cán bộ này đều đã phấn đấu tiến bộ. Các trường hợp cán bộ trong Ngành khi thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, trở ngại, khi được báo cáo, cụ Trần Quyết đều kịp thời chỉđạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời có biện pháp tháo gỡ. Tôi nhớ mãi trường hợp ba đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương (đồng chí Đinh Văn Đức, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, đồng chí Đỗ Khắc Tiệp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắc Lắc và đồng chí Trần Thu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định) khi thực hiện nhiệm vụ đã làm đúng pháp luật, song do có những ý kiến khác nhau ở địa phương nên đã bị áp lực của một số cá nhân yêu cầu thay đổi Viện trưởng mới. Khi nghe tin đó, cụ Trần Quyết đã trực tiếp về địa phương kiểm tra, làm việc với địa phương rồi kết luận các vụ việc do ba đồng chí Viện trưởng nói trên đã xử lý là đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý và chính Cụ với cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kiên quyết bảo vệ và giữ nguyên vị trí, chức vụ của các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh đó. Sau đó, các đồng chí này đã hoàn thành tốt nhiệm vu, được Cấp uỷ, Chính quyền và các Ngành ở địa phương tín nhiệm, ủng hộ.
Thương nhớ cụ Trần Quyết, tôi có đôi dòng tâm sự về Cụ thay nén nhang thơm tưởng nhớ Cụ và xin kính gửi tới Cụ Bà cùng gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất.