Ngày 24/4/2012, tại Hội trường Nhà khách Công đoàn Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức buổi Tọa đàm về Đề án “Trao đổi, đào tạo cán bộ, kiểm sát viên với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp của cán bộ ngành Kiểm sát phục vụ hội nhập quốc tế”. Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Đề án dự và chỉ đạo tại buổi tọa đàm. Tham gia điều hành Tọa đàm có đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các thành viên Tổ biên tập Đề án. Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và đại biểu đến từ 07 viện kiểm sát các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Nội...
TỌA ĐÀM VỀ ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
NGUỒN NHÂN LỰC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì buổi Tòa đàm
Ngày 24/4/2012, tại Hội trường Nhà khách Công đoàn Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức buổi Tọa đàm về Đề án “Trao đổi, đào tạo cán bộ, kiểm sát viên với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp của cán bộ ngành Kiểm sát phục vụ hội nhập quốc tế”. Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Đề án dự và chỉ đạo tại buổi tọa đàm. Tham gia điều hành Tọa đàm có đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các thành viên Tổ biên tập Đề án. Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và đại biểu đến từ 07 viện kiểm sát các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Nội.
Theo nội dung Đề án, những năm qua, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Yêu cầu thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong điều kiện hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành Kiểm sát nhân dân phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ số lượng, có trình độ cao, chuyên sâu, thông thạo nhiều lĩnh vực pháp luật, giỏi kỹ năng chuyên ngành và có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực chuyên môn khác; có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Trước tình hình đó, các Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án về trao đổi, đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên với một số nước nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng Đề án về trao đổi, đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên với một số nước nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp của cán bộ ngành Kiểm sát được Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hàng năm xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu. Thực hiện chủ trương đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 312/QĐ-VKSTC-HTQT ngày 15/7/2011 về việc nghiên cứu xây dựng Đề án “Trao đổi, đào tạo cán bộ, kiểm sát viên với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp của cán bộ ngành Kiểm sát phục vụ hội nhập quốc tế”. Việc nghiên cứu xây dựng Đề án được thực hiện trong hai năm 2011 và 2012. Vụ Hợp tác quốc tế được giao nhiệm vụ là đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chủ nhiệm Đề án và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình thực hiện.
Từ năm 2007 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tuyển chọn được 04 khóa đào tạo nguồn nhân lực gồm 94 học viên (Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 78 học viên, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương có 16 học viên), trong đó có 30 học viên được chọn cử đi đào tạo tiếng Anh tại Australia sau khi đã đào tạo nghiệp vụ kiểm sát và tiếng Anh tại Hà Nội. Cử 35 cán bộ trong Ngành đi đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác; đi nghiên cứu kinh nghiệm công tác quản lý tại nước ngoài; cử 10 cán bộ thuộc các lớp đào tạo nguồn nhân lực đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và Đề án 322 của Bộ giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn 2000 - 2011, các dự án quốc tế đã cấp học bổng cho 11 cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát địa phương đi đào tạo Thạc sỹ Luật ở Australia và Nhật Bản.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phục vụ hội nhập quốc tế và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử 1.501 lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, trong đó tập trung vào nghiên cứu mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các Viện kiểm sát, Viện Công tố nước ngoài về các lĩnh vực tư pháp hình sự, về tranh tụng tại phiên tòa, về công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực ở một số quốc gia có nền công tố mạnh hoặc có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng này đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết cho cán bộ Kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
chụp ảnh chung với đại biểu tại tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm về Đề án “Trao đổi, đào tạo cán bộ, kiểm sát viên với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp của cán bộ ngành Kiểm sát phục vụ hội nhập quốc tế”. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị đại biểu dự Tọa đàm, nhất là đại diện các Viện kiểm sát địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng, có nhiều hoạt động giao lưu quốc tế thảo luận, tham gia ý kiến về thực trạng, nhu cầu đào tạo cán bộ Kiểm sát về ngoại ngữ và kiến thức tư pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của địa phương mình và ngành Kiểm sát nói chung, nhằm giúp cho việc xây dựng Đề án của ngành Kiểm sát nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bám sát và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Thành Chiến