CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ ngay sau khi mới thành lập

23/05/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
( KS) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020, trong đó xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá mang tính chiến lược, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước...
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ ngay sau khi mới thành lập
 
Tiến sĩ Trần Công Phàn
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
 
 
Phối cảnh thiết kế khu giảng đường Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
( KS) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020, trong đó xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá mang tính chiến lược, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng cũng như xây dựng và phát triển đất nước nói chung và đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Trong công tác cán bộ, chiến lược xây dựng nguồn cán bộ cho Ngành cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn Ngành.
Là cơ quan Hiến định có vị trí độc lập trong bộ máy nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, phương pháp công tác đặc thù, tổ chức bộ máy thống nhất từ trung ương tới cấp huyện nên nhu cầu nhân lực của ngành Kiểm sát là rất lớn, quan trọng và cũng rất đặc thù. Tuy nhiên, việc đào tạo cử nhân luật trên cả nước hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhân lực của xã hội, của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Đặc thù nghề nghiệp của cán bộ kiểm sát là phải trực nghiệp vụ 24/24 giờ, phải tham gia các hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vào bất cứ thời gian nào trong ngày khi có tội phạm xảy ra. Các hoạt động nghiệp vụ của cán bộ kiểm sát thường phải đối mặt với các việc phức tạp, các loại tội phạm, khó khăn, thách thức rất lớn. Vì vậy, ngành Kiểm sát rất cần có cơ sở đào tạo trình độ đại học riêng để chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực, cũng như đảm bảo về chất lượng, cơ cấu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhận thức được tình hình trên, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSNDTC với quyết tâm chính trị cao đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Kiểm sát để tạo nguồn nhân lực cho Ngành. Quyết tâm và chủ trương trên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành. Ngày 22/5/2012, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 676/TTg-KGVX đồng ý về chủ trương thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trực thuộc VKSNDTC. Tiếp đó, ngày 27/12/2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng có Thông báo số 116/TB-TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân, theo đó Bộ Chính trị kết luận: Đồng ý chủ trương cho phép ngành Kiểm sát nhân dân được đào tạo bậc đại học chuyên ngành để có thêm nguồn tuyển dụng cán bộ phù hợp với chuyên môn của ngành mình; có cơ chế tuyển sinh phù hợp với yêu cầu tuyển dụng cán bộ cho Viện kiểm sát nhân dân ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa...; đồng ý để Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đào tạo nghề Kiểm sát viên. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, với những chỉ đạo sát sao của Ban cán sự, Lãnh đạo VKSNDTC, hoạt động tích cực, khẩn trương của Trường kiểm sát và các đơn vị nghiệp vụ, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội, ngày 24/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 614/QĐ-TTg quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là niềm vui lớn đối với toàn Ngành, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nói chung và Trường Kiểm sát nói riêng; đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát; góp phần giải quyết vấn đề chiến lược cán bộ cho Ngành. Tuy nhiên, đây là mở đầu của một quá trình mới với muôn vàn khó khăn phía trước. Để xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ngày càng lớn mạnh, trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật lớn của Ngành, tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cử nhân luật cho cả nước không chỉ là nhiệm vụ riêng của Trường mà còn là nhiệm vụ chung của toàn Ngành; đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo VKSNDTC, sự nỗ lực, phấn đấu của Trường và của các đơn vị liên quan, sự tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ của các Bộ, ngành và địa phương. Với tinh thần đó, trong thời gian tới, toàn Ngành cũng như Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực trước mắt cũng như lâu dài của Ngành, Vụ Tổ chức cán bộ cần phối hợp chặt chẽ với Trường xây dựng kế hoạch tổng thể, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn Ngành và nhiệm vụ cụ thể của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội theo từng giai đoạn và từng năm công tác, báo cáo Ban cán sự, Lãnh đạo Viện để quyết định, triển khai thực hiện trong toàn Ngành. Trước hết cần sớm xây dựng Quy chế hoạt động của Trường.
Thứ hai, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài vụ, Văn phòng và các đơn vị, chức năng của các Bộ ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy việc mở mã ngành đào tạo cử nhân luật chuyên ngành kiểm sát, phấn đấu với mức cao nhất để đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đào tạo ngay trong năm 2013.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao của Trường.
Trường cần tập trung nghiên cứu, đề xuất việc hoàn chỉnh bộ máy các phòng, khoa, trung tâm, báo cáo Lãnh đạo Viện, Ban cán sự quyết định. Bộ máy cần đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo tính chuyên sâu cho từng môn học, ngành học, trong đó chú ý tới xây dựng các khoa mới như khoa lý luận chính trị, nhà nước và pháp luật.
Việc phát triển đội ngũ giảng viên là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, then chốt, quyết định tới chất lượng đào tạo của Trường. Ngoài việc đảm bảo số lượng, cơ cấu, học vị của đội ngũ giảng viên, điều quan trọng hơn là phải đảm bảo chất lượng giảng dạy thực sự của đội ngũ giảng viên. Việc xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Nếu đội ngũ giảng viên không đủ trình độ, năng lực thực sự sẽ ảnh hưởng không tốt tới chất lượng đào tạo cán bộ cho Ngành. Lãnh đạo nhà Trường, Vụ Tổ chức cán bộ cần chủ động trong việc tìm nguồn giảng viên, tham mưu, đề xuất tuyển dụng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, cơ cấu, có học hàm, học vị cao, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sư phạm, tâm huyết với nghề. Trước mắt cần tập trung tuyển đủ số biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng đối tượng có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, những cán bộ có khả năng giảng dạy tốt.
Ngoài việc thi tuyển, xét tuyển giảng viên, trong những trường hợp cần thiết, Lãnh đạo VKSNDTC cần điều động, biệt phái một số cán bộ có học vị, có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng giảng dạy từ các đơn vị nghiệp vụ của VKSNDTC, các Viện kiểm sát địa phương về làm giảng viên cơ hữu tại Trường. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt của Trường mà cũng là từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, vừa kết hợp giữa việc nghiên cứu lý luận, khoa học với thực tiễn hoạt động của ngành.
Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Trường xây dựng, đề xuất các phương án về chính sách đãi ngộ, cơ chế bổ nhiệm để có thể thu hút nhiều người giỏi về Trường.
Về lâu dài, Lãnh đạo Trường cần xây dựng phương án có tính chất bắt buộc để các giảng viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn đi thực tế tại các Viện kiểm sát địa phương. Việc đi thực tế phải đảm bảo thực chất, giảng viên đi thực tế phải thực hiện những công việc thực sự như cán bộ của đơn vị nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; Trường cần xây dựng phương án đánh giá hiệu quả, chất lượng tham gia hoạt động thực tiễn của giảng viên, đồng thời xác định kiến thức thực tiễn là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên. Đây cũng là công việc quan trọng Lãnh đạo Trường cần quan tâm thực hiện vì Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có đặc thù là trường Ngành, đi sâu đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề cho sinh viên, đảm bảo khi ra trường sinh viên có khả năng đáp ứng ngay công việc.
Vụ Tổ chức cán bộ, Lãnh đạo Trường tham mưu cho Lãnh đạo Viện có chính sách ưu tiên trong việc cử giảng viên của Trường đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước để đạt chuẩn về giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp và để không ngừng nâng cao trình độ.
Trường tiếp tục rà soát, bổ sung đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, chú trọng mời những giảng viên có lý luận khoa học pháp lý và nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng sư phạm tốt để tăng cường trang bị kiến thức thực tiễn cho sinh viên, học viên.
Thứ tư, Trường cần có phương án cụ thể để xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo trình, xác định rõ những giáo trình của các trường đại học, học viện khác có thể sử dụng giảng dạy những môn học lý luận chung, những môn trang bị kiến thức luật cơ bản; những giáo trình cần xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung kiến thức có tính chuyên ngành đặc thù của ngành Kiểm sát để hệ thống giáo trình vừa trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên, vừa trang bị những kiến thức có tính nghiệp vụ chuyên sâu về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đảm bảo khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Thứ năm, tăng cường đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho Trường
Để có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của một Trường Đại học, Ngành cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án xây dựng cho Trường. Trước mắt cần xây dựng ngay những hạng mục cần thiết để phục vụ những nhiệm vụ cấp bách, đáp ứng các điều kiện mở mã ngành đào tạo như hệ thống thư viện, giảng đường, nhà hiệu bộ, ký túc xá, khu vui chơi, giáo dục thể chất... Trường cần phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các dự án, xác định nhu cầu kinh phí xây dựng báo cáo Lãnh đạo Viện, Ban cán sự quyết định.
Đẩy nhanh tiến độ để có quyết định giao đất trong năm 2013 theo Công văn số 3330/VPCP-KGVX ngày 26/4/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị VKSNDTC khẩn trương làm việc với UBND thành phố Hà Nội để có quyết định giao đất xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội trong năm 2013.
Về lâu dài, Ngành cần tập trung nguồn lực xây dựng Trường ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội bảo đảm đúng tầm của một trường đại học lớn của ngành Kiểm sát, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho Ngành. Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước cấp, Trường cần chủ động phối hợp với Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự, Vụ Kế hoạch - Tài vụ, Văn phòng để tìm, tranh thủ các nguồn lực khác để có vốn xây dựng trường trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, chủ trương thắt chặt chi tiêu, xây dựng công của Chính phủ.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế tuyển sinh phù hợp với đặc thù của Ngành
Để tạo nguồn cán bộ cho những vùng khó tuyển dụng (một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ), đảm bảo cơ cấu về giới tính, có ngoại hình phù hợp với yêu cầu công việc, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tham mưu cho Lãnh đạo Viện làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có cơ chế tuyển sinh theo địa chỉ. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu cán bộ của từng địa phương để phân bổ chỉ tiêu sơ tuyển, giao chỉ tiêu và việc sơ tuyển cho VKS cấp tỉnh thực hiện. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với sinh viên và phương án phân bổ sinh viên ra trường về các đơn vị công tác nhằm thu hút những học sinh có năng lực thi tuyển vào Trường.
Thứ bảy, ngoài việc tập trung cho việc xây dựng, đào tạo cử nhân luật, Trường cần thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chung của toàn Ngành; trong đó cần lưu ý sớm tổ chức liên kết đào tạo văn bằng 2 (Luật) cho cán cán bộ, công chức nghiệp vụ của Ngành được tuyển dụng từ các nguồn đại học khác chưa có bằng cử nhân luật; sớm xây dựng, hoàn thiện chương trình khung, hệ thống tài liệu, bài giảng, dự kiến giảng viên mời để mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ của Ngành theo Kết luận của Bộ Chính trị...
Vui mừng, phấn khởi đón nhận quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Song, những nhiệm vụ đặt ra trước mắt cũng như lâu dài đối với Trường là hết sức nặng nề. Tuy nhiên, vớitruyền thống, quyết tâm chính trị cao, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban cán sự, Lãnh đạo VKSNDTC đối với Trường và các đơn vị liên quan, chúng ta tin tưởng rằng Trường sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, dần từng bước trưởng thành vững mạnh, trở thành trung tâm đào tạo lớn của Ngành, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ngành theo yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của cải cách tư pháp, cũng như sự kỳ vọng của các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát./.
 
Tìm kiếm