Vừa qua, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập trường (1978-2023), đồng thời triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao dự và chỉ đạo buổi Lễ.
Dự buổi Lễ còn có đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; TS.Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM (Trường Nghiệp vụ); nguyên hiệu trưởng, giảng viên Trường Nghiệp vụ) qua các thời kỳ; lãnh đạo VKSND các địa phương…
Qua 45 năm xây dựng và trưởng thành của Nhà trường, là cả một chặng đường vượt nhiều khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Ngành giao cho. Từ khi thành lập Nhà trường thiếu về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên cho Viện kiểm sát ở các tỉnh, thành phía Nam.
Các sinh viên, học viên sau khi ra trường có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng và hầu hết được đánh giá công tác tốt, có nhiều đồng chí đã áp dụng kiến thức đã học ở trường vào công tác thực tế, được cấp trên tín nhiệm bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo trong và ngoài ngành Kiểm sát.
Từ ngày thành lập đến nay, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng 13 khóa trung cấp kiểm sát hệ tập trung với 1.584 sinh viên, đào tạo cao đẳng kiểm sát hệ tập trung, chuyên tu, tại chức với 1.935 sinh viên, học viên; đào tạo cao đẳng tập trung hệ cử tuyển 6 khóa với 141 sinh viên tạo nguồn nhân lực quan trọng bổ sung kịp thời cho Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các tỉnh phía Nam; Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đối tượng có bằng cử nhân Luật mới được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát 34 khóa với 3.896 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ 247 khóa với 19.760 lượt học viên và phối hợp với VKSND các tỉnh phía Nam mở 103 lớp Bồi dưỡng với 10.500 lượt học viên học tại địa phương.
Tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, Trường Nghiệp vụ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND địa phương, các cơ sở đào tạo ngoài Ngành kiểm sát công tác nghiên cứu khoa học, công tác xây dựng giáo trình, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ kịp thời các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành kiểm sát.
Theo Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, trong thời gian tới Trường Nghiệp vụ cần tập trung bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ và điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ giảng viên được học tập nâng cao trình độ; đổi mới phương pháp xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu theo hướng dẫn phối hợp với VKSND địa phương; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo phương pháp truyền thống với phương pháp tích cực, đưa vào giảng dạy tình huống, vụ việc cụ thể gắn liền kiến thức lý luận với thực tiễn trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
“Trường Nghiệp vụ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao, các VKSND địa phương mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề tại VKSND cấp tỉnh theo nhu cầu thực tế của từng địa phương, từng vùng, miền. Tiếp tục triển khai các hạng mục công trình đã được phê duyệt để nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy, làm việc của đội ngũ giảng viên, viên chức Nhà trường cũng như nâng cao điều kiện học tập, ăn ở, sinh hoạt của học viên”, đồng chí Nguyễn Huy Tiến phát biểu.
Phát biểu tại buổi họp mặt, TS.Nguyễn Quốc Hân gửi lời tri ân tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, người lao động, học viên và sinh viên đã viết lên truyền thống vẻ vang, quý báu của Nhà trường. Cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các tỉnh thành phía Nam, lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ, sự quan tâm, VKSND các địa phương và VKS quân sự phía Nam.
“Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục kiện toàn một bước đội ngũ lãnh đạo quản lý. Từ nay đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Nhà trường sẽ chủ động rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, viên chức theo đúng vị trí việc làm, tăng tỉ lệ đội ngũ giảng viên cơ hữu, tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ này học tập nâng cao trình độ; phấn đấu đến năm 2030 toàn bộ đội ngũ giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các phòng chức năng có trình độ Thạc sĩ; có từ 6 đến 10 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, TS.Nguyễn Quốc Hân cho biết.
Tại buổi họp mặt, Trường Nghiệp vụ cũng đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2022, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023.
Theo báo cáo, năm 2022, Trường Nghiệp vụ kiểm sát đã triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Viện trưởng VKSND tối cao luôn kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ quy định hiệu quả, thực chất. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng Nhà trường đã nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác xây dựng chương trình khung; biên soạn tài liệu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức hội thảo khoa học góp ý các chương trình khung; tổ chức triển khai giảng dạy, học tập các khóa đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đúng tiến độ, kịp thời mở các lớp trong năm, đặc biệt là tài liệu bồi dưỡng “Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế” được VKSND các địa phương và học viên đánh giá cao.
Trong năm 2023, Trường Nghiệp vụ dự kiến phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; Tích cực phối hợp với VKSND các địa phương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu theo yêu cầu; Xây dựng kế hoạch cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giảng dạy, lý luận chính trị nghiệp vụ chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; Phối hợp với cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành liên kết mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình khung và biên soạn tài liệu “Kỹ năng thực hiện quyền kháng nghị, quyền kiến nghị trong tụng dân sự, tố tụng hành chính”; Xây dựng tài liệu bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời chủ trì tổ chức hội thảo về tăng cường vai trò trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kháng nghị, kiến nghị đối với bản án, quyết định dân sự, hành chính.
Xem bài viết gốc tại đây!