Ngày 24, 25/6/2013, Bộ tư pháp (Vụ pháp luật hình sự-hành chính) phối hợp với UNICEF tổ chức hội thảo tham vấn sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến người chưa thành niên...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO THAM GIA HỘI THẢO
THAM VẤN SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ,
BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Ngày 24, 25/6/2013, Bộ tư pháp (Vụ pháp luật hình sự-hành chính) phối hợp với UNICEF tổ chức hội thảo tham vấn sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Dự hội thảo có đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện KSND địa phương, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án ND địa phương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc Hội, Bộ lao động-thương binh & xã hội, các chuyên gia nghiên cứu khoa học về người chưa thành niên…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo tọa đàm về những vướng mắc, bất cập của hệ thống hình phạt, các quy định về tổng hợp hình phạt, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích, việc áp dụng các biện pháp tư pháp, các đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định đối với người chưa thành niên mà Bộ luật hình sự hiện hành quy định. Đồng thời, Hội thảo cũng tham vấn sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập của Bộ luật tố tụng hình sự về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên, đưa ra một số nội dung lớn cần sửa đổi bổ sung như: Nguyên tắc chung về tiến hành tố tụng; Sửa đổi phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng (bao gồm người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên là bị hại hoặc là nhân chứng); cụ thể hóa căn cứ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam; bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên; đảm bảo quyền bào chữa; cụ thể hóa thủ tục lấy lời khai người chưa thành niên theo hướng chặt chẽ, tạo điều kiện và môi trường lấy lời khai phù hợp với tâm sinh lý của người chưa thành niên; về thủ tục xét xử người chưa thành niên (Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên) nhằm tăng cường tính thân thiện, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái khi tham gia phiên tòa; Những quy định mới về thủ tục tố tụng đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên. Đặc biệt một nội dung mới được đại biểu đề xuất là xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tán thành với ý kiến đề nghị bổ sung điều luật mới về thẩm quyền miễn tố của Viện kiểm sát, trên cơ sở đó có thể thực hiện quyền xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Đó là việc Quyết định truy tố trong trường hợp đặc biệt: “Trong trường hợp mặc dù có căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng trên cơ sở cân nhắc lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan và yêu cầu phòng ngừa, nếu xét thấy không cần thiết phải truy tố người phạm tội thì Viện kiểm sát có thể quyết định không truy tố (miễn tố) đối với người đó”.
Mai Hương