CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Các mặt công tác của ngành Kiểm sát đều có chuyển biến tích cực

10/11/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo cáo do đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên TW Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII vừa qua cho thấy, các mặt công tác của ngành Kiểm sát như: thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; kiểm sát thi hành án; kiểm sát thi hành án dân sự... đều có những chuyển biến tích cực. Viện kiểm sát đã chủ động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm, đồng thời hạn chế làm oan người vô tội. Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Quản lý chặt chẽ việc áp dụng các căn cứ pháp luật trong trường hợp đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Các mặt công tác của ngành Kiểm sát đều có chuyển biến tích cực
 
 
Đ/c Trần Quốc Vượng, Uỷ viên TW Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao
 trình bày báo cáo công tác của ngành KSND tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII
 
Báo cáo do đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên TW Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII vừa qua cho thấy, các mặt công tác của ngành Kiểm sát như: thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; kiểm sát thi hành án; kiểm sát thi hành án dân sự... đều có những chuyển biến tích cực. Viện kiểm sát đã chủ động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm, đồng thời hạn chế làm oan người vô tội. Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Quản lý chặt chẽ việc áp dụng các căn cứ pháp luật trong trường hợp đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án.
Về công tác kiểm sát thi hành án, toàn Ngành đã tập trung kiểm sát các trường hợp bị kết án tù nhưng chưa thi hành, uỷ thác thi hành án. Công tác kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, thẩm định hồ sơ xét đặc xá đạt kết quả tích cực, bảo đảm đúng đối tượng, đúng luật. Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc tổ chức thi hành án dân sự, nhất là việc phân loại các vụ việc có điều kiện và không có điều kiện thi hành án. Viện Kiểám sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương triển khai thực hiện đúng lộ trình, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp. Báo cáo cũng chỉ rõ, tuy số vụ án khởi tố điều tra có giảm hơn so với năm 2009, nhưng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng; tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm do người nước ngoài thực hiện xảy ra ngày càng nhiều; các tranh chấp kinh tế, dân sự, kinh doanh, thương mại... tăng về số vụ và phức tạp về tính chất; nhiều vụ do không giải quyết được kịp thời, triệt để dẫn đến các vụ án hình sự.
Từ những kết quả này, VKSNDTC đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra; trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002; xây dựng Luật Tổ chức điều tra hình sự; chỉ đạo thực hiện các dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác xét xử và thi hành án.
 Thảo luận tại hội trường, các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án.... trong đó kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình và tâm đắc với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, các báo cáo này là rất thẳng thắn, xác đáng phù hợp với thực tế tình hình. Đóng góp các ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, đại biểu Đặng Văn Xướng (đoàn Long An), đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi vẫn là nỗi bức xúc, quan tâm của toàn xã hội. Chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Không ít trường hợp không phát hiện kịp thời, xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý người đứng đầu. Bên cạnh đó, công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, tổ chức đơn vị vẫn còn yếu. Các đại biểu đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tình hình tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, trong khi đó công tác phát hiện còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng.
Về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc quản lý văn hóa xã hội thiếu chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm gia tăng. Theo đại biểu Dung, cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện dễ vi phạm pháp luật như: quản lý kinh doanh games online, hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn… là những lĩnh vực nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ. Góp ý kiến về chất lượng hoạt động của ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát và Thi hành án, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng, những hoạt động này so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì chưa tương xứng, đặc biệt so với yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Một trong những nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ đối với cán bộ của những ngành này hiện nay là quá thấp dẫn đến không thu hút chất xám vào ngành. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Nhà nước nhanh chóng xem xét tăng chế độ đãi ngộ để giữ được đội ngũ cán bộ có chất lượng trong các ngành này.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng vẫn có việc cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp dân sự kinh tế, hành chính để giải quyết. Việc áp dụng như vậy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là oan, sai trong lĩnh vực hình sự. Theo đại biểu, phần lớn các vụ oan, sai thời gian qua là do hình sự hóa quan hệ hành chính, kinh tế. Về nguyên nhân hình sự hóa, theo đại biểu là do quy định tại Bộ luật Hình sự có những tội danh quy định rất dễ gây nhầm lẫn giữa quan hệ kinh tế hành chính với quan hệ hình sự. Việc xác định cụ thể vẫn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng nên nhiều trường hợp cùng một vụ nhưng những đánh giá của từng cơ quan khác nhau.
 
Hoàng Long
Tìm kiếm