Ngày 26/10/2021, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính. Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKS quân sự Trung ương; đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao; tập thể lãnh đạo, công chức Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND tối cao… Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, công tác thi hành án dân sự, hành chính là một trong các công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án, cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nhằm đảm bảo hoạt động thi hành án dân sự, hành chính đúng pháp luật, góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan; bảo đảm các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.
Thời gian qua, cơ quan Thi hành án dân sự, VKSND các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thi hành án, kiểm sát việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bảo đảm được thi hành kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, do số lượng bản án, quyết định thi hành ngày càng nhiều, giá trị ngày một lớn và phức tạp, đặc biệt là thi hành án trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; sự bất cập, thiếu thống nhất của quy phạm pháp luật trong công tác thi hành án dân sự và kiểm sát thi hành án dân sự; sự quan tâm chưa đúng mức khâu công tác này của lãnh đạo một số VKSND địa phương. Do đó, có những vụ việc thi hành án chậm, kéo dài nhiều năm, đương sự khiếu kiện kéo dài.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu các đại biểu phát huy tối đa trí tuệ tập thể, tập trung trao đổi việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nêu những vướng mắc, đề xuất các giải pháp, kiến nghị trong hoạt động kiểm sát thi hành dân sự, hành chính để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khâu công tác này trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ 11 đã quán triệt một số nội dung, như: Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao; giới thiệu Hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hành chính.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận những thành tích và biểu dương những cố gắng của VKSND các cấp trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính; đồng thời, đánh giá cao kết quả xây dựng các văn bản hướng dẫn, các quy trình về nghiệp vụ và sự nghiêm túc trong việc chuẩn bị tài liệu Hội nghị của Vụ 11.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND các địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau: Lãnh đạo VKSND các cấp phải coi công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính là một trong những công tác quan trọng, do đó cần quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với khâu công tác này; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan Thi hành án dân sự, chú trọng thực hiện trực tiếp kiểm sát đột xuất theo vụ việc về thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, cần kiểm sát chặt chẽ việc phân loại án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành, tăng cường việc trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án; kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án... kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để ban hành các kháng nghị, kiến nghị đạt chất lượng, hiệu quả nhằm kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra và giảm tình trạng khiếu kiện về thi hành án dân sự, hành chính, góp phần ổn định trật tự trị an tại địa phương; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu công tác đã đề ra…