Thực hiện sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao soạn thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng tải dự thảo Pháp lệnh trên, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ý kiến tham gia gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện khoa học kiểm sát) để tổng hợp, chỉnh lý.
VKSNDTC lấy ý kiến tham gia
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao soạn thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng tải dự thảo Pháp lệnh trên, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ý kiến tham gia gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện khoa học kiểm sát) để tổng hợp, chỉnh lý.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Pháp lệnh số: /2009/PL-UBTVQH12 Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
(Dự thảo) __________________________
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ…../2009/PL-UBTVQH12 NGÀY ... THÁNG ... NĂM 2009 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
Pháp lệnh này sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân ngày 4 tháng 10 năm 2002.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân:
1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 3
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
2. Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân.
3. Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.”
2.Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 18
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.
3.Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 19
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự”.
4. Bổ sung Điều 19a như sau:
“Điều 19a
1.Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương hoặc của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười lăm năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương hoặc của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự ”.
5.Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 20
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã là Kiểm sát viên cao cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết đối với các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có năng lực tổng kết, chỉ đạo đường lối thực hành quyền công tố và công tác kiểm sát, có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụkiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ hai mươi năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết đối với các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có năng lực tổng kết, chỉ đạo đường lối thực hành quyền tố và công tác kiểm sát, có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụkiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ”.
6.Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21
Trong trường hợp cần thiết, người đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân hoặc người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Kiểm sát nhân dân, tuy chưa đủ thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 hoặc Điều 19a hoặc Điều 20 của Pháp lệnh này, thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp hoặc Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân hoặc Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp hoặc Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự”.
7.Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22
1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có:
a) Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp;
b) Các Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân;
c) Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.
2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên làm việc theo chế độ tập thể. Quyết định của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành”.
8. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 23
Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp gồm có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam là ủy viên.
Danh sách uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp do ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấpcó những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp;
b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước miễn nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm Kiểm sát viên cao cấp;
c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước cách chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức Kiểm sát viên cao cấp”.
9. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 24
1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân gồm có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, đại diện Lãnh đạo Sở Nội Vụ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh là uỷ viên.
Danh sách uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm;
b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm;
c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức”.
10.Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 25
1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự gồm có Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương làm Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam là uỷ viên.
Danh sách uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm;
b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm;
c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức”.
11. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 30
1. Để bảo đảm cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định:
a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân này đến Viện kiểm sát nhân dân khác;
b) Biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát nhân dân khác.
2. Để bảo đảm cho các Viện kiểm sát quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định:
a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát quân sự này đến Viện kiểm sát quân sự khác sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát quân sự khác”.
Điều 2. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày………tháng….. năm 2010.
Điều 3. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
Hà Nội, ngày tháng năm 2009
TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỐI CAO Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
________ __________________________
Số: /VKSTC-V8 Hà Nội, ngày tháng năm 2009
VềDự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số
điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND
(Dự thảo)
TỜ TRÌNH
Về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều
của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002
Kính trình: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Thực hiện Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011); Nghị quyết số 713/2008/UBTVQH12 ngày 11/12/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011); theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002. Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin kính trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
I. Sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002
Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 4/10/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2002 (sau đây viết tắt là Pháp lệnh Kiểm sát viên).
Qua 06 năm thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên cho thấy các quy định đã phát huy tác dụng tích cực trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ Kiểm sát viên. Từ việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện Kiểm sát viên, đến quy trình tuyển chọn, xem xét bổ nhiệm Kiểm sát viên đòi hỏi phải chặt chẽ hơn, nhất là quy định về tiêu chuẩn Kiểm sát viên. Bản thân từng cán bộ, Kiểm sát viên ngành KSND đã tích cực phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức để đáp ứng các tiêu chuẩn mà Pháp lệnh Kiểm sát viên quy định. Tuyệt đại đa số Kiểm sát viên được tuyển chọn, bổ nhiệm trong thời gian qua đều được đào tạo cơ bản về trình độ lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức người cán bộ kiểm sát. Chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên được nâng lên rõ rệt, nhất là trình độ pháp lý. Đến nay, đội ngũ Kiểm sát viên đã có trình độ Cử nhân luật trở lên tăng 38% so với thời gian trước năm 2002: ở VKSNDTC đạt tỷ lệ 98,8%, Viện kiểm sát cấp tỉnh đạt tỷ lệ 97,1%, Viện kiểm sát cấp huyện đạt tỷ lệ 96%, Viện kiểm sát quân sự các cấp đạt tỷ lệ 98,4%.
Tuy nhiên, có một số quy định của Pháp lệnh hiện hành như về chức danh Kiểm sát viên, nhiệm kỳ bổ nhiệm Kiểm sát viên, đặc biệt là quy định ngạch Kiểm sát viên theo cấp hành chính và quy định điều động Kiểm sát viên ngang cấp ở VKSND các địa phương đã bộc lộ những bất cập sau đây:
Một là, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở mỗi cấp có đặc thù gắn liền với việc giải quyết các vụ việc hình sự, dân sự trong tất cả các giai đoạn tố tụng, ngay từ khi thụ lý cho đến khi quyết định và thi hành án. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát có việc đơn giản, có việc phức tạp, đòi hỏi mỗi cấp kiểm sát phải có nhiều loại Kiểm sát viên thực hiện để bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Thực tế cho thấy, ở các địa phương nhiều án và đối với các vụ án hình sự, dân sự phức tạp do không đủ Kiểm sát viên, có trường hợp Viện kiểm sát đã sử dụng cả Kiểm tra viên, chuyên viên tham gia hoạt động tố tụng.
Hai là, Pháp lệnh hiện hành quy định ngạch Kiểm sát viên theo cấp hành chính và quy định chỉ điều động Kiểm sát viên ngang cấp. Quy định như vậy đã làm cho ngành Kiểm sát không thực hiện được việc luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát. Khi quyết định điều động Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới lên Viện kiểm sát cấp trên thì phải chuyển ngạch sang Kiểm tra viên không phải chức danh pháp lý. Khi điều động Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên xuống Viện kiểm sát cấp dưới thì phải xếp xuống ngạch, xuống bậc. Đồng thời, vừa phải làm thủ tục bãi miễn Kiểm sát viên cấp trên, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cấp dưới và ngược lại bãi miễn Kiểm sát viên cấp dưới, bổ nhiệm làm Kiểm tra viên Viện kiểm sát cấp trên; vừa phải làm thủ tục xếp lại hệ số lương, phụ cấp trách nhiệm đối với những người này. Thực tế đó còn gây tâm tư trong hầu hết cán bộ, Kiểm sát viên được điều động, luân chuyển do bất cập trong việc thực hiện chính sách cán bộ.
Ba là, đến hết năm 2009, 100% các cơ quan tư pháp cấp huyện trên phạm vi cả nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định tại Điều 170 của BLTTHS năm 2003 và Điều 33 của BLTTDS năm 2004. Theo đó, Viện kiểm sát cấp huyện có trách nhiệm thụ lý và giải quyết phần lớn các loại vụ việc hình sự, dân sự, hành chính; trong khi đó ở Viện kiểm sát cấp huyện chỉ có Kiểm sát viên cấp huyện mà không có Kiểm sát viên cấp cao hơn cùng thực hiện nhiệm vụ thì hết sức khó khăn, nặng nề.
Bốn là, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, việc sửa đổi ngạch Kiểm sát viên không gắn với cấp hành chính cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp khi thực hiện chủ trương hệ thống VKSND được tổ chức lại theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 là hết sức cần thiết.
II. Quá trình soạn thảo dự án Pháp lệnh
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên, VKSNDTC đã chỉ đạo Viện kiểm sát các địa phương tổ chức việc tổng kết, đánh giá tình hình 06 năm thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên; tổ chức các đoàn khảo sát kinh nghiệm một số nước, tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu chuyên đề bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Pháp lệnh và đề xuất những vấn đề bức xúc nhất cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Trong quá trình xây dựng dự án Pháp lệnh, Ban soạn thảo đã nghiên cứu Báo cáo tổng kết 06 năm thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên của các Viện kiểm sát địa phương; lấy ý kiến cán bộ chủ chốt ở VKSNDTC và VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKSQSTW và VKSQS cấp quân khu. Nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự án Pháp lệnh. VKSNDTC đã gửi dự án Pháp lệnh xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan theo đúng quy định.
III. Quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002
1. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phải bảo đảm phù hợp với các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, nhất là chủ trương thể hiện trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 “đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ”.
2. Tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự cấp bách đã chín muồi và có sự thống nhất cao để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng và tăng cường đội ngũ Kiểm sát viên, góp phần bảo đảm Viện kiểm sát các cấp thực hiện có hiệu quả hơn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
3. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên cần kế thừa quy định phù hợp của chế định Kiểm sát viên những năm qua, tham khảo chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chế độ Kiểm sát viên/ Công tố viên các nước. Phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật liên quan đến chức danh tư pháp.
Từ các quan điểm chỉ đạo nêu trên, phạm vi sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên tập trung vào sửa đổi một số quy định liên quan đến ngạch Kiểm sát viên và việc điều động Kiểm sát viên. Đây là hai vấn đề bức xúc nhất do thực tiễn quản lý, sử dụng đội ngũ Kiểm sát viên trong 06 năm thi hành Pháp lệnh đặt ra.
IV. Nội dung của việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân
Từ các quan điểm chỉ đạo và phạm vi nêu trên, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên chủ yếu đề cập đến Điều 3 về ngạch Kiểm sát viên, khoản 1 Điều 30 về điều động Kiểm sát viên.
1. Về ngạch Kiểm sát viên
Điều 3 Pháp lệnh Kiểm sát viên quy định ngạch Kiểm sát viên theo cấp hành chính gồm có: Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh và Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện. Quy định này đã gây khó khăn cho ngành Kiểm sát trong việc sử dụng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Nghiên cứu quy định của pháp luật hiện hành về ngạch cán bộ, công chức cho thấy, ngạch công chức hành chính được phân định thành 4 loại gồm chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và chuyên gia cao cấp; ngạch công chức tư pháp khác (Điều tra viên, Chấp hành viên) cũng phân định theo thứ bậc khác nhau. Chẳng hạn, Cơ quan điều tra có ba ngạch Điều tra viên (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và mỗi cấp điều tra có một số loại Điều tra viên. Cơ quan thi hành án dân sự cũng có ba ngạch Chấp hành viên (sơ cấp, trung cấp và cao cấp). Theo đó, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát cũng là chức danh tư pháp thì không nên quy định theo cấp hành chính, mà cần phân thành thứ bậc khác nhau để mỗi cấp kiểm sát có một số loại Kiểm sát viên.
Thực tế 10 năm (1983 - 1993) thi hành Quy chế ngạch Kiểm sát viên cho thấy, thời kỳ này Kiểm sát viên không phân theo cấp hành chính mà được chia làm ba loại Kiểm sát viên (sơ cấp, trung cấp, cao cấp), vừa tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho Viện trưởng Viện kiểm sát mỗi cấp phân công nhiệm vụ cho từng loại Kiểm sát viên, vừa tạo thuận lợi cho việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ giữa các cấp kiểm sát.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, chế độ Kiểm sát viên/ Công tố viên cũng không quy định theo cấp hành chính mà được phân định thành thứ bậc khác nhau và mỗi cấp có một số loại Kiểm sát viên/Công tố viên (Chẳng hạn, Trung Quốc có Đại Kiểm sát viên, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên. Viện kiểm sát cấp nào cũng có một số loại Kiểm sát viên). Việc xác định thứ bậc Kiểm sát viên/ Công tố viên được căn cứ vào chức trách, quyền hạn được giao, năng lực trình độ nghiệp vụ và quá trình công tác.
Trên tinh thần kế thừa quy định về ngạch Kiểm sát viên của Pháp lệnh hiện hành, tiếp thu có đổi mới Quy chế ngạch Kiểm sát viên những năm trước đây, đồng bộ với các ngạch công chức khác đã được pháp luật hiện hành quy định, phù hợp với xu hướng chung về chế độ Kiểm sát viên/ Công tố viên của các nước, các ý kiến đều thống nhất bỏ ngạch Kiểm sát viên theo cấp hành chính để phân định thành thứ bậc khác nhau. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để đổi mới được căn bản cơ cấu và chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát các cấp,cần chia làm 4 ngạch Kiểm sát viên là Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu mỗi cấp kiểm sát có một số loại Kiểm sát viên thì chỉ nên phân định làm 3 ngạch là Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.
Theo đó, có hai phương án sửa đổi, bổ sung Điều 3 Pháp lệnh hiện hành như sau:
Phương án 1: sửa đổi, bổ sung làm 4 ngạch Kiểm sát viên gồm có:
1.Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
2. Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân.
3. Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.
Phương án 2: sửa đổi, bổ sung làm 3 ngạch Kiểm sát viên gồm có:
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
2. Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân.
3. Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.
Ban soạn thảo nhận thấy, cả hai phương án sửa đổi ngạch Kiểm sát viên đều hợp lý, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Phương án chia làm 3 ngạch Kiểm sát viên thì cơ bản về cơ cấu và tiêu chuẩn của Kiểm sát viên các cấp, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên tiếp tục giữ như quy định hiện hành; do đó phương án này chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt mỗi cấp kiểm sát có một số loại Kiểm sát viên. Phương án chia làm 4 ngạch Kiểm sát viên thì vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, vừa lâu dài, đổi mới được căn bản việc xây dựng và tăng cường chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên các cấp kiểm sát, mở rộng nguồn tuyển chọn và bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp, đặc biệt là đổi mới về chất và tinh giản, thu gọn số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC theo yêu cầu cải cách tư pháp. Vì vậy, Ban soạn thảo thống nhất chọn phương án sửa đổi làm 04 ngạch Kiểm sát viên.
2. Về tiêu chuẩn Kiểm sát viên các cấp
Theo Phương án chia làm 4 ngạch Kiểm sát viên thì tiêu chuẩn của Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp tiếp tục giữ tương ứng với tiêu chuẩn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh như quy định hiện hành, còn tiêu chuẩn của Kiểm sát viên cao cấp và Kiểm sát viên VKSNDTC cần phải quy định mới theo hướng:
- Tiêu chuẩn Kiểm sát viên cao cấp về thực chất tương ứng với tiêu chuẩn Kiểm sát viên VKSNDTC hiện hành. Để được xem xét bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp, phải lựa chọn trong số những người ưu tú đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất là 5 năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của VKSNDTC, VKSQSTW hoặc của Viện kiểm sát cấp tỉnh và có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát cấp tỉnh. Với tiêu chuẩn này, về cơ bản số Kiểm sát viên VKSNDTC hiện nay (170 người) sẽ được chuyển tương ứng thành Kiểm sát viên cao cấp. Các Kiểm sát viên cao cấp chủ yếu làm nhiệm vụ ở VKSNDTC, VKSQSTW. Đồng thời có thể bố trí một số Kiểm sát viên cao cấp là những người giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng hoặc trong trường hợp cần điều động, luân chuyển có thời hạn Kiểm sát viên cao cấp ở VKSNDTC về làm nhiệm vụ tại Viện kiểm sát cấp tỉnh các địa phương; hoặc Kiểm sát viên cao cấp ở VKSNDTC được phân công kiểm sát điều tra vụ án hình sự do Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, thì Kiểm sát viên đó sẽ trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đó tại Tòa án tỉnh nơi vụ án được chuyển đến để xét xử sơ thẩm, khắc phục tình trạng hiện nay Kiểm sát viên VKSNDTC thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, sau đó phải ủy quyền cho Kiểm sát viên cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.
- Kiểm sát viên VKSNDTC là ngạch Kiểm sát viên cao nhất, đòi hỏi phải có tiêu chuẩn cao hơn quy định hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Để xem xét, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên VKSNDTC phải lựa chọn trong số những người đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu đã là Kiểm sát viên cao cấp ít nhất là 5 năm (trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân thì người có thời gian làm công tác pháp luật 20 năm trở lên), có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết đối với các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền VKSNDTC, có năng lực tổng kết, chỉ đạo đường lối thực hành quyền công tố và công tác kiểm sát, giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền Uỷ ban kiểm sát VKSNDTC, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên cấp dưới. Với tiêu chuẩn này, Kiểm sát viên VKSNDTC được đổi mới về chất, thực sự là những chuyên gia đầu ngành và đó chỉ là một số người thuộc thành phần ủy ban kiểm sát VKSNDTC (khoảng 15 người).
3. Về Hội đồng tuyển chọn và thẩm quyền bổ nhiệm Kiểm sát viên
Theo Phương án chia làm 4 ngạch Kiểm sát viên thì vẫn có 03 Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên với thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản như quy định hiện hành, trong đó chỉ bổ sung cho Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ tuyển chọn cả Kiểm sát viên cao cấp. Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp. Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Về việc điều động Kiểm sát viên
Để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong việc điều động Kiểm sát viên, tạo điều kiện cho Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, cần sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 30 của Pháp lệnh Kiểm sát viên về điều động Kiểm sát viên ngang cấp, từ VKSND địa phương này đến VKSND địa phương khác cùng cấp theo hướng: điều động Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát; cụ thể như sau:
“1. Để bảo đảm cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định:
a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân này đến Viện kiểm sát nhân dân khác;
………………………………”.
5. Về việc thay thế một số cụm từ tại các điều có liên quan
Việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 về ngạch Kiểm sát viên và khoản 1 Điều 30 về điều động Kiểm sát viên của Pháp lệnh Kiểm sát viên như trên là phù hợp với Hiến pháp 1992 (được sửa đổi, bổ sung) và pháp luật hiện hành. Vì vậy, trên tinh thần tiếp tục giữ các quy định về thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát quy định tại các điều 18, 19, 20, 21, 22, 24 và 25 của Pháp lệnh Kiểm sát viên, dự thảo Pháp lệnh thay thế các cụm từ “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự quân khu, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực” và các cụm từ “Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện kiểm sát quân sự khu vực” tại các điều nêu trên thành các cụm từ tương ứng “Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp” và “Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự”; thay thế cụm từ “Viện kiểm sát cấp dưới” thành cụm từ “ Kiểm sát viên cấp dưới”, cho phù hợp; đồng thời thay cụm từ “Lãnh đạo Ban tổ chức chính quyền” bằng cụm từ “Lãnh đạo Sở Nội Vụ” tại Điều 24 của Pháp này cho đồng bộ với quy định hiện hành về tổ chức bộ máy Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Trên đây là những nội dung của dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002. Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin kính trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Ban chỉ đạo cải cách tư pháp;
- Uỷ ban tư pháp của Quốc hội;
- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ Nội Vụ;
- Lưu VT, V8
|
VIỆN TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN SOẠN THẢO
Trần Quốc Vượng
|