CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tiếp tục công bố 6 luật mới được Quốc hội thông qua

13/07/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
(Chinhphu.vn)Tại buổi họp báo được tổ chức vào chiều 12/7, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV...

 Tiếp tục công bố 6 luật mới được Quốc hội thông qua

(Chinhphu.vn)Tại buổi họp báo được tổ chức vào chiều 12/7, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)
Cụ thể 6 luật mới là: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, cùng với 6 luật được công bố vào sáng 12/7 là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi, trong ngày 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo và công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật với tổng cộng 12 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017: Có 9 chương, 78 điều, quy định cụ thể về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13): Được xây dựng theo qua điểm chỉ đạo là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những điểm mới của Luật số 12/2017/QH14 là: Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý; bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Có những sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật trong một số điều, khoản cụ thể của của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 liên quan đến các quy định viện dẫn, sử dụng từ ngữ cũng như các sửa đổi khác về kỹ thuật nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng thống nhất các quy định của của Bộ luật Hình sự trong thực tiễn.
 
Toàn cảnh họp báo chiều 12/7. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)
Luật Trợ giúp pháp lý: Được xây dựng nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật đã được ban hành gần đây để phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm sự hội nhập quốc tế, trong đó có nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bố cục của Luật gồm 8 chương, 48 điều, quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm; người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp…
Luật Cảnh vệ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018) được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, việc xây dựng Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn những năm qua; kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật…
Luật gồm 6 chương, 33 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật Cảnh vệ đã bổ sung 2 chương, 12 điều, quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; công tác khen thưởng và xử lý vi phạm…
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Gồm 8 chương, 76 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng vụ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vât liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Gồm 10 chương, 134 điều quy định cụ thể về tài sản công và phân loại tài sản công; chính sách, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; công khai và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công; các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công…
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, huy động, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế-xã hội; mở rộng phạm vi điều chỉnh bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tất cả các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Nguyễn Hoàng
 
Tìm kiếm