CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo

16/11/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Cùng với đó, kiện toàn hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự tương ứng với điều kiện, tình huống cụ thể. Tổ chức rà soát quy hoạch, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự từ trung ương đến địa phương phù hợp với đặc điểm vùng, miền, lĩnh vực và bảo đảm tính khả thi. Hoàn thành các công trình thiết yếu trong kế hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự thuộc các khu vực rủi ro thiên tai cao.

Đến năm 2030 và những năm tiếp theo tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp.

Tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự quốc gia, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.

Xây dựng và hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác, sử dụng công trình ngầm, công trình dân sinh, công trình phòng thủ dân sự; kết hợp khu vực phòng thủ và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự thuộc các khu vực rủi ro thiên tai cao; hoàn thành việc đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn, trọng điểm.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện gồm:

Một là, kiện toàn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành phòng thủ dân sự.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp với đặc thù phòng thủ dân sự, bảo đảm chỉ đạo bao quát, toàn diện theo lĩnh vực và tính chuyên sâu theo ngành. Phân công rõ ràng, phân cấp hợp lý, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng thủ dân sự, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương với cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hoạch định chủ trương, chính sách, phát huy hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tổ chức tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước. Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cho các cấp ủy đảng, năng lực quản lý điều hành cho chính quyền địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự...

Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự.

Cụ thể, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa các sự cố do lỗi chủ quan của con người, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.

Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, kịp thời đưa các chính sách vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự.

Đa dạng hóa hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phổ biến cho nhân dân kỹ năng cần thiết để biết tự bảo vệ mình và chung tay bảo vệ cộng đồng.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự. Nghiên cứu đưa những kiến thức phù hợp về phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường từ cấp trung học phổ thông trở lên.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại các bộ, ngành trung ương, địa phương. Làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, xác định phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là lực lượng nòng cốt bảo vệ cuộc sống của nhân dân trong mọi tình huống.

Tích cực, chủ động phòng, ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa để tuyên truyền xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước, kích động gây mất an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác huy động lực lượng và tổ chức ứng phó khắc phục hậu quả. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự, đặc biệt hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Bốn là, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi.

Tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách đồng bộ về tổ chức, trang bị và con người; có quy mô phù hợp, trang bị hiện đại, đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đủ sức đảm nhiệm vai trò là lực lượng hạt nhân trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Chú trọng xây dựng lực lượng kiêm nhiệm có trang bị phù hợp và quy mô hợp lý, tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự, đủ sức hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chuyên trách khi có tình huống xảy ra.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng thủ dân sự, tích cực xây dựng và kiện toàn mô hình các đội xung kích ở cơ sở, phát huy tính tự chủ, tự lực của địa phương để sẵn sàng xử lý kịp thời, linh hoạt các sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”.

Khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai, thảm họa; các cơ sở đào tạo, huấn luyện; các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ công tác phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật. Phát triển lực lượng tình nguyện viên trong công tác tuyên truyền, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Năm là, triển khai Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành liên quan.

Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của vùng, ngành, địa phương và được điều chỉnh khi có chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa xảy ra.

Kết hợp chặt chẽ chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án lớn, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng. Triển khai đồng bộ các nội dung, chương trình của Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự với quy mô, tiến độ phù hợp với kế hoạch, quy hoạch của vùng, ngành, từng địa phương; bảo đảm các chương trình của chiến lược có tác động hỗ trợ trực tiếp trước mắt cũng như lâu dài đối với kinh tế - xã hội của địa phương.

Thường xuyên nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trên phạm vi cả nước, kịp thời dự báo các tác động tiêu cực và có giải pháp phòng ngừa; bảo đảm hoạt động phát triển kinh tế - xã hội không làm phát sinh hoặc gia tăng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cho cuộc sống của người dân.

Đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống công trình phòng thủ dân sự theo quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường tính lưỡng dụng cho các công trình ngay từ khâu khảo sát, thiết kế để nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự liên kết giữa Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự với Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... chú trọng các địa bàn khó khăn, phức tạp như vùng núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Xác định phát triển khoa học và công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt, hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ cho công tác điều tra cơ bản và triển khai các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát, dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai, đặc biệt các loại hình thiên tai hay xảy ra như bão, lũ, sạt lở đất... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tự động hóa và viễn thám trong quan trắc, giám sát và cảnh báo thiên tai; mô hình hóa các rủi ro thiên tai để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Đẩy mạnh nghiên cứu, kết nối các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, các trạm báo tin động đất, trạm cảnh báo sóng thần, các trạm quan trắc - cảnh báo môi trường độc xạ; các đài, trạm quan sát báo động phòng không nhân dân trên đất liền và biển, đảo, cổng thông tin điện tử các bộ, ngành trung ương, địa phương... tạo thành hệ thống mạng thông tin dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động phòng thủ dân sự trên phạm vi toàn quốc.

Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào công trình hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, công trình phòng không nhân dân để nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của công trình đối với các tác động của thiên tai, chiến tranh...

Bảy là, đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình.

Cụ thể, xây dựng cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác phòng thủ dân sự. Quản lý, phân bổ, sử dụng hợp lý, minh bạch nguồn lực để triển khai các công trình phòng ngừa hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và các công trình hạ tầng có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, ưu tiên các địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai và các đối tượng dễ tổn thương.

Sử dụng hợp lý nguồn lực để triển khai theo kế hoạch, quy hoạch các công trình phòng ngừa sự cố, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; công trình hạ tầng có liên quan hoạt động phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra nguy cơ thảm họa.

Ưu tiên huy động các nguồn lực tại chỗ, kết hợp với nguồn lực chi viện của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế theo quy định của pháp luật cho các địa phương, khu vực, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh... bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Sử dụng hợp lý nguồn lực của Trung ương hỗ trợ cho các khu vực, các lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng để tạo đột phá trong ngăn chặn, giảm thiểu tác hại cũng như khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh.

Sử dụng ngân sách nhà nước triển khai các chương trình, công trình trọng điểm ở những nơi còn nhiều khó khăn, nguồn lực tại chỗ còn hạn chế để từng bước nâng cao khả năng chống chịu với các nguy cơ rủi ro, làm cơ sở cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; tăng cường xã hội hóa các chương trình, các hoạt động mang tính cộng đồng để tối ưu hóa nguồn lực và tạo sức lan tỏa trong xã hội, động viên các thành phần xã hội tích cực tham gia hoạt động phòng thủ dân sự.

Tám là, tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Chú trọng công tác xây dựng nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; gắn diễn tập phòng thủ dân sự với diễn tập khu vực phòng thủ, phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung huấn luyện, diễn tập phải phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện của từng địa phương, đơn vị, kết hợp lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chủ yếu; huấn luyện diễn tập trong điều kiện, môi trường sát thực tế, bảo đảm an toàn cho lực lượng và phương tiện tham gia.

Thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang bị, phương tiện bảo đảm huấn luyện, diễn tập; chú trọng đưa các phương tiện hiện đại vào huấn luyện, diễn tập.

Tập trung huấn luyện đội ngũ cán bộ, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng; chú trọng đưa các vấn đề mới, phức tạp vào diễn tập để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai.

Tăng cường diễn tập phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết cho cộng đồng, chú trọng diễn tập ứng phó với các loại hình rủi ro nguy cơ cao, mức độ ảnh hưởng lớn; lựa chọn hình thức diễn tập phù hợp, vận động đông đảo nhân dân tham gia nâng cao hiệu quả diễn tập.

Chín là, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự.

Chủ động, tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường chia sẻ thông tin, nhất là thông tin về dự báo, cảnh báo thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, thích nghi biến đổi khí hậu.

Tăng cường hợp tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên; bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm, phương tiện, trang bị đặc dụng... đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước khi triển khai các hoạt động phòng thủ dân sự.

Nghiên cứu, chủ động tham gia các hội thảo, diễn đàn, các hoạt động luyện tập, diễn tập khu vực và quốc tế theo các hình thức và phương pháp phù hợp để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách về phòng thủ dân sự.

Xây dựng cơ chế hợp tác, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo trong các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt các nước có chung đường biên giới.

Mười là, tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.

Định kỳ theo quy định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công. Việc sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được gắn với sơ kết, tổng kết các mặt công tác của cơ quan, đơn vị.

Sau các sự cố nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra phải tiến hành rút kinh nghiệm, kịp thời nhận diện khâu yếu, mặt yếu trong quá trình ứng phó để có biện pháp khắc phục; phổ biến các cách thức, phương pháp đã qua kiểm nghiệm để từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

Tăng cường tổng kết thực tiễn để hoàn thiện các quy trình, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện cũng như nghiên cứu chuyên ngành, từng bước hoàn thiện lý luận về phòng thủ dân sự.

VC
Tìm kiếm