CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng

05/06/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm…
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn
đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương

Sáng 05/6, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi và trách nhiệm cao.

Phiên chất vấn đã có 107 đại biểu đăng ký phát biểu và đã nhận được 40 lượt ý kiến phát biểu, (trong đó có 34 ý kiến chất vấn, 06 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Tham gia trả lời, giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nội dung chất vấn

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, hoạt động của ngành công thương có nhiều đổi mới, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh; chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; nhiều vụ việc nổi cộm về bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội đã được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa như kỳ vọng. Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí còn hạn chế.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên mạng. Chủ động rà soát và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá. Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương mại, thường xuyên cập nhật về quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện hiệp định thương mại tự do FTA tại các địa phương. Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.

Trọng Quỳnh (quochoi.vn)
Tìm kiếm