CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

21/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Việc cơ cấu lại phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ

Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông qua Đề án, cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Việc cơ cấu lại phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu.

Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được Đề án đặt ra, đó là: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả để có kết quả thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.

Theo đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần xây dựng Đề án cơ cấu lại với những nội dung như sau:

a) Tình hình doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020:

- Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai Đề án cơ cấu lại.

- Nhận xét, đánh giá những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học rút ra.

b) Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 của doanh nghiệp.

c) Định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025:

- Chiến lược phát triển, ngành nghề, định hướng kinh doanh, sản phẩm, thị trường.

- Đổi mới quản trị doanh nghiệp.

- Xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp.

- Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý.

- Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.

- Kế hoạch, giải pháp tham gia hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất.

- Phương án cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp.

- Lộ trình cụ thể triển khai các giải pháp nêu tại Đề án.

Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án cơ cấu lại của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trên cơ sở báo cáo của Bộ Quốc phòng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt đối với các tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đại hội đồng cổ đông phê duyệt đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, tổng số cổ phần sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020, các nội dung quy định tại Quyết định này và tình hình thực tế để chủ động rà soát, quyết định, xây dựng, triển khai Đề án cơ cấu lại đối với các DNNN độc lập.

Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo triển khai đối với các công ty con, doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.

File đính kèm
HQ
Tìm kiếm