CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình

27/10/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 27/10/2023, Đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình.

Tham dự Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao; đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Vụ trưởng Vụ 5 VKSND tối cao; đồng chí Đỗ Đình Chữ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao…

Đại biểu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình có đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình và Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Đoàn kiểm tra
 phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Tỉnh uỷ Hoà Bình đã trình bày tóm tắt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và 09 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tổ chức, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã đi vào nền nếp; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, triển khai và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của Đảng, Nhà nước; có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Các vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng tập trung xử lý cơ bản đảm bảo yêu cầu đặt ra. Công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng, đối tượng kiểm tra, giám sát được mở rộng, nội dung tập trung có trọng tâm, trọng điểm nhất là những vấn đề gây bức xúc dư luận.

Các đại biểu Đoàn kiểm tra tham dự buổi làm việc

Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy định; các cơ quan báo, đài địa phương chủ động thực hiện đưa các nội dung tin, bài phản ánh, phóng sự, điều tra, nghiên cứu, thảo luận trên các trang, chuyên mục nhằm góp phần tăng cường tuyên truyền các nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; công tác thi hành án đã được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, quyết liệt và đồng bộ, hiệu quả và có bước phát triển mới, được dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; khẳng định mạnh mẽ quyết tâm, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Đoàn kiểm tra nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác rất quan trọng. Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở thực tiễn để Ban Chỉ đạo tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sơ hở, bất cập, khó khăn, vướng mắc, từ đó tiếp tục khẩn trương hoàn thiện pháp luật theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tìm kiếm