Ngày 28/12/2017, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – RED Communication (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông”.
Ngày 28/12/2017, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – RED Communication (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện một số cơ quan báo chí, bộ phận truyền thông của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước.
Truyền thông chính sách là quy trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của Nhà nước và của chính người dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước và là một bước không thể thiếu trong tổ chức thực hiện chính sách.
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm đến công tác truyền thông chính sách, yêu cầu các hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước phải công khai, minh bạch, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước đã có những chuyển biến tích cực từ trong nhận thức đến các phương thức tiến hành. Tuy nhiên, trước bối cảnh đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển và người dân, công tác truyền thông chính sách cần tiếp tục được nâng cao và chuyên nghiệp hơn.
Do vậy, Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông” được tổ chức nhằm mục đích: Khẳng định trách nhiệm truyền thông chính sách thuộc về chính cơ quan ban hành chính sách và chỉ có tổ chức thực hiện tốt thì chính sách mới đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận của đối tượng chịu sự điều chỉnh và người dân; xác định rõ cách thức thực hiện, mô hình tổ chức bộ phận truyền thông chính sách tại cơ quan chủ quản trong quá trình soạn thảo và ban hành; tham khảo một số mô hình hoạt động truyền thông ở các cơ quan quản lý nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông; đề ra giải pháp tổ chức truyền thông chính sách hiệu quả...

Ông Lê Văn Nghiêm trình bày chuyên đề “Vai trò của phát ngôn và cung cấp thông tin trong truyền thông chính sách”
Đại biểu tham dự Hội thảo được nghe 02 chuyên đề là “Vai trò của phát ngôn và cung cấp thông tin trong truyền thông chính sách” và “Xử lý khủng hoảng truyền thông” do ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại và ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, đại diện Bộ Tư pháp phát biểu
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều bài tham luận và ý kiến phát biểu từ cán bộ làm công tác truyền thông của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Khoa học Thanh tra và một số cơ quan báo chí. Các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề từ thực tiễn làm công tác truyền thông chính sách để trao đổi giữa cơ quan quản lý báo chí và những người làm báo. Qua đó cho thấy, việc đào tạo kỹ năng truyền thông, phát ngôn cho cán bộ đang công tác trong cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp, các địa phương cần được tăng cường và hỗ trợ từ chuyên gia và những cán bộ có kinh nghiệm trong cơ quan quản lý báo chí và truyền thông.
Hồng Quyên – Hải Dương