CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn mới của Bộ Y tế về quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19

15/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 14/3/2022, Bộ Y tế ra quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”.

Công nhận kết quả test nhanh do người mắc COVID-19 thực hiện để xác nhận ca bệnh

Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 đưa ra 2 tiêu chí đối với người mắc COVID-19 quản lý tại nhà, đó là:

- Là người mắc COVID-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do bản thân hoặc người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện. Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, không mắc bệnh nền, hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

- Là người bệnh COVID-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi COVID-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc.

Người mắc COVID-19 có thể ra khỏi nơi cách ly nhưng cần hạn chế

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc COVID-19 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

- Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

- Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với người mắc COVID-19.

- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa.) tại khu vực này.

- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa hàng ngày và khi dây bẩn.

- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Người mắc COVID-19 cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết tại nhà như: Nhiệt kế; máy đo SpO2; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các phương tiện liên lạc.

Những loại thuốc cần chuẩn bị để điều trị tại nhà bao gồm: Thuốc hạ sốt; dung dịch cân bằng điện giải; thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng); dung dịch nhỏ mũi và thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh.

Các dấu hiệu bất thường của người mắc COVID-19 cần được xử trí cấp cứu kịp thời

Bộ Y tế khuyến cáo người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần lưu ý các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với trẻ em từ 5 đến 16 tuổi, các dấu hiệu bất thường là: Thở nhanh; thở bất thường; SpO2 < 96%; khó thở; ho thành cơn không dứt; đau tức ngực; không ăn/uống được; nôn mọi thứ; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ.

Đối với người lớn (trên 16 tuổi), các dấu hiệu bất thường bao gồm: Khó thở, thở hụt hơi; nhịp thở ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật; không thể ăn uống do nôn nhiều.

HQ
Tìm kiếm