CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần

30/05/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

Kế hoạch này được xây dựng nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kịch bản động đất, sóng thần tại Việt Nam

Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần đưa ra những kịch bản cụ thể với những mức độ khác nhau.

Đối với thảm hoạ động đất:

- Khu vực Tây Bắc: Kịch bản động đất có độ lớn M = 7.2 xảy ra trên đứt gãy Sơn La tại tọa độ (Kinh độ 103.44, Vĩ độ 21.64) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Điện Biên, Sơn La; cấp 3 - 4 tại một số khu vực tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và cấp 1 - 3 tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ;

- Khu vực Đông Bắc: Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.5 xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên tại tọa độ (Kinh độ 106.54, Vĩ độ 22.16) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Lạng Sơn, cấp 3 tại một số khu vực tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và cấp 1 tại một số khu vực tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang;

- Khu vực đồng bằng sông Hồng: Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.3 xảy ra trên đứt gãy sông Chảy tại tọa độ (Kinh độ 106.07, Vĩ độ 20.65) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội. Cấp 1 - 2 tại khu vực tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Vĩnh Phúc;

- Vùng Bắc Trung Bộ: Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.5 xảy ra trên đứt gãy sông Cả tại tọa độ (Kinh độ 105.583, Vĩ độ 18.906, tại khu vực huyện Diễn Châu, Nghệ An) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tỉnh Nghệ An, cấp 3 - 4 tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh; cấp độ 1 - 3 tại tỉnh Thanh Hóa và cấp độ 1 tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế;

- Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.8 xảy ra trên đứt gãy Ba Tơ - Củng Sơn tại tọa độ (Kinh độ 108.74, Vĩ độ 13.99) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Bình Định và Gia Lai (khu vực tâm chấn) và cấp 1 đối với các khu vực lân cận;

- Khu vực Nam Bộ: Kịch bản động đất cực đại M = 5.0 xảy ra trên đứt gãy sông Hậu tại tọa độ (Kinh độ 105.81, Vĩ độ 10.04) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 tại một số khu vực tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ (khu vực tâm chấn); cấp 1 - 2 tại khu vực lân cận thuộc tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh và các khu vực lân cận.

Đối với thảm hoạ sóng thần:

- Rủi ro thiên tai cấp độ 4 (tương ứng với độ cao sóng từ 8 m đến 16 m): Khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 2.0 giờ đến 4.5 giờ, vào sâu trong đất liền có thể tới 2 - 3 km;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 3 (tương ứng với độ cao sóng từ 4 m đến 8 m): Khu vực ven biển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Bình Định, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bến Tre, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 3.0 giờ đến 9.0 giờ vào sâu trong đất liền có thể tới hàng trăm mét;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 2 (tương ứng với độ cao sóng từ 2 m đến 4 m): Tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 8.2 giờ đến 14.9 giờ, vào sâu trong đất liền có thể tới hàng trăm mét;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 1 (tương ứng với độ cao sóng dưới 2 m): Tỉnh Ninh Bình và tỉnh Kiên Giang. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng 8 đến 15 giờ. Sóng thần gây ngập lụt cục bộ tại một số điểm.

Tổ chức ứng phó với thảm hoạ động đất, sóng thần

Để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần đưa ra những phương án như sau:

- Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định.

- Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn.

Đối với thảm hoạ sóng thần, cần hướng dẫn nhân dân ven biển sơ tán khi có tin cảnh báo sóng thần mạnh và nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới địa phương. Khi đang ở trên tàu, thuyền trên biển, hoặc vùng ven biển không nên cho tàu thuyền trở về cảng, nên di chuyển tàu thuyền hướng ra biển, đến những vùng nước sâu ít nhất là trên 150 m. Nếu đang ở khu vực bãi biển ngay lập tức chạy đến nơi an toàn ở các bãi đất cao hoặc ở nơi cách xa bờ biển từ 500m trở lên. Đang ở trong nhà trệt, nhà thấp tầng trong bán kính dưới 500 m tính từ bờ biển phải sơ tán vào sâu trong đất liền; đang ở trong nhà cao tầng di chuyển lên các tầng cao, không ở lại tầng 1 cho đến tầng 3; mở trống các cửa ở các tầng thấp để hạn chế sự tác động của sóng.

Đối với thảm hoạ động đất, dù không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra. Nếu đang ở trong nhà nên chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống. Nếu ở trong các tòa nhà cao tầng, tuyệt đối không được dùng thang máy, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Khi đang đi đường, cần tránh xa các tòa nhà và dây điện, tìm chỗ trống để đứng; trong lúc lái xe, cần dừng xe ở lề đường, tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xuống gầm xe.

- Huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa.

- Duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.

Khắc phục hậu quả sau khi xảy ra động đất, sóng thần

Sau khi thảm hoạ xảy ra, những việc cần làm bao gồm:

- Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp. Tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền.

Huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân. Đánh giá cụ thể thiệt hại về người, tài sản, các công trình, hạ tầng... mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.

- Bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị nạn.

- Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.

- Đánh giá tổng hợp tình hình, thực hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

HQ
Tìm kiếm