Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025.
Phong trào thi đua được tổ chức với mục đích đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo". Việc tổ chức Phong trào thi đua phảo đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Thông qua phong trào nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; xác định công tác giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo
Tùy theo từng nhóm đối tượng, Phong trào thi đua đề ra những nội dung phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ giảm nghèo. Các bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn Phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các địa phương tập trung thi đua đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng phát triển với vùng khó khăn; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội; tiếp tục triển khai cuộc vận động "Vì người nghèo" nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm; giám sát bình xét thi đua thực hiện Phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các thôn, bản, cộng đồng thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; hỗ trợ người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.
Các hộ gia đình thi đua tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững và giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác cùng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, tránh hình thức, lãng phí
Để thực hiện Phong trào thi đua, giải pháp đề ra là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua.
Các bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cụm, khối thi đua căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức thực hiện Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, tránh hình thức, lãng phí; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang chuyên mục, tăng cường thời lượng nhằm biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị hằng năm và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.