Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật Cạnh tranh 2018 mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường của Việt Nam, bất kể hành vi này được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm tạo ra hành lang pháp lý để có thể điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi hạn chế cạnh tranh; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý khi có tác động hay có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam; tạo ra cơ sở pháp lý để cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh; tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh mà Việt Nam đã đưa ra trong các hiệp định thương mại.
Luật mới cũng quy định bổ sung đối tượng áp dụng nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện hành vi vi phạm luật cạnh tranh, gồm có: Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước
Kế thừa Luật Cạnh tranh năm 2004, luật mới đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước là một chủ thể đặc thù có quy định trong Luật Cạnh tranh. Nhằm tránh việc cơ quan nhà nước lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường, khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện gây cản trở cạnh tranh trên thị trường là: Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.
Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể
Để làm cơ sở xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, ngoài yếu tố thị phần, Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể là: Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh. Việc quy định như vậy để xác định chính xác sức mạnh thị trường của doanh nghiệp và phản ánh đúng thực lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.
Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật
Quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định. So với Luật Cạnh tranh 2004, một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được bổ sung là: Thỏa thuận phân chia khách hàng; thỏa thuận ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác; thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Cùng với đó, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cũng được quy định mở rộng và cụ thể hơn tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018.
Bên cạnh đó, Luật mới cũng bổ sung quy định chính sách khoan hồng để tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hóa. Doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng được miễn hoặc giảm mức xử phạt khi tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra; khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm; hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Ấn định mức xử phạt cụ thể với hành vi vi phạm về cạnh tranh
Luật Cạnh tranh năm 2018 bổ sung quy định mức xử phạt cụ thể với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh tại Điều 111. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật mới không quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định trong một số luật khác và khẳng định nguyên tắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác được thực hiện theo pháp luật từng ngành đó.
Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh
Luật mới quy định thành lập cơ quan cạnh tranh quốc gia, sáp nhập Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh. Đây là điểm mới rất quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh.
Luật quy định cụ thể cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Chương VII nhằm bảo đảm tính độc lập của cơ quan này. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là một cơ quan vừa thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, đồng thời thực thi tố tụng cạnh tranh.
Thanh Hằng
( Giới thiệu )